Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: Hiện đang có khoảng 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng đối với 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, trong số này có gần 3.000 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản không đúng thẩm quyền.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO phân tích, sau 16 năm, số “giấy phép con”, tức điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành, chính quyền địa phương ban hành trái luật không những không giảm mà còn tăng vọt với con số lên đến khoảng 4.000 điều kiện kinh doanh trái luật.
Hội thảo “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị”.
Luật sư Đức bày tỏ quan điểm: Có những ngành nghề không cần thiết phải đưa vào quy định kinh doanh có điều kiện cũng đưa vào. “Tôi kinh doanh than, củi hay tôi buôn thuyền thúng cũng phải có điều kiện. Hay kinh doanh mũ bảo hiểm cũng đưa vào loại hình này. Nhà nước không kiểm soát được người sản xuất mũ thì lại đi kiểm soát người bán mũ, rồi người đội mũ cũng bị kiểm soát. Đây chỉ là những ví dụ điển hình về các loại hình kinh doanh mà Nhà nước cho vào diện “kiểm soát” mà tôi cho là không cần thiết” – ông Đức nhận định.
Một dẫn chứng sinh động là tại Hội thảo này, rất đông các doanh nghiệp kinh doanh gas từ nhiều tỉnh thành “kéo” đến tham dự để mong góp tiếng nói.
Ông Lê Văn Bình, Công ty Gas Minh Chánh (tỉnh Bình Thuận) bức xúc cho biết, Nghị định 19 về kinh doanh khí có hiệu lực từ ngày 15.5.2016 đang “chặn đường sống” của doanh nghiệp nên chúng tôi phải “mò” ra tận Hà Nội khi biết có buổi hội thảo này.
Theo ông Bình, Nghị định 19 về kinh doanh khí đang đẩy các DN gas trên cả nước đến bên bờ vực phá sản. Một trong số các quy định làm khó các DN gas hiện nay phải kể đến quy định về việc, DN phải có các bồn chứa với tổng sức chứa tối thiểu 300m3 và có số lượng chai LPG đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 lít. “Để thực hiện quy định này, DN phải đầu tư thêm hơn 20 tỷ đồng nữa. Mà đối với các DN gas ở các vùng miền là không cần thiết. Làm như vậy là gây áp lực lên các DN nhỏ và vừa, chỉ có lợi cho một số DN lớn” – ông Bình bức xúc.
Cùng chung quan điểm trên, ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đông Tùng (Hà Giang) cho rằng, với các quy định về số lượng bình và diện tích chứa được đưa ra trong Nghị định này, chắc chắn sẽ đẩy giá thành gas lên cao, hạn chế sức cạnh tranh của DN nhỏ và vừa. Hệ lụy là người tiêu dùng sẽ phải mua khí gas với giá cao hơn nhiều lần so với trước. Và nguy cơ dẫn đến độc quyền, lợi ích nhóm là hoàn toàn có thể xảy ra.