Tháng 5.2016 là tháng 5 nóng nhất trong lịch sử (Ảnh: NASA)
Theo số liệu mới được công bố bởi NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ), tháng 5 vừa qua là tháng 5 nóng nhất trong lịch sử (tính từ năm 1880). Nhiệt độ trung bình của trái đất trong tháng 5.2016 cao hơn 0,93 độ C so với nhiệt độ trung bình tháng 5 hàng năm. Như vậy, tháng 5.2016 đã phá kỉ lục của tháng 5.2014.
Điều này cũng có nghĩa là tháng vừa qua đứng thứ 8 trong danh sách tất cả các tháng nóng nhất của NASA. Theo Tổ chức khí tượng thế giới, đây cũng là mùa xuân nóng nhất ở Bắc bán cầu.
Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ NOAA cũng sẽ công bố kết quả phân tích nhiệt độ của mình vào thứ 6 tuần này. Nếu NOAA cũng xếp hạng tháng 5.2016 là tháng 5 nóng nhất, đây sẽ là tháng thứ 13 liên tiếp phá vỡ kỉ lục, một điều mà chưa bao giờ xảy ra. (Dữ liệu của NOAA và NASA là giống nhau, chỉ khác nhau về cách phân tích và đánh giá số liệu)
Gavin Schmidt, giám đốc Viện nghiên cứu không gian Goddard của NASA cũng dự đoán năm 2016 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử, vượt năm 2015.
Theo Climate Central, kể cả khi tháng 5 không vượt kỉ lục, 99% năm 2016 sẽ trở thành năm nóng nhất lịch sử.
Hạn hán khốc liệt do nắng nóng tại Ấn Độ (Ảnh: AP)
Điều này có xảy ra hay không phụ thuộc vào những tháng còn lại của năm 2016. Hiện tượng La Nina, hiện tượng có khả năng làm giảm nhiệt độ trung bình toàn cầu, dự đoán sẽ hình thành vào mùa thu. Nhưng ảnh hưởng của La Nina rõ nhất vào năm 2017.
Hiện tượng El Nino đóng góp 1 phần nhỏ trong việc đẩy nhiệt độ trái đất tăng cao, nguyên nhân chính là lượng nhiệt dư thừa dồn nén trong nhiều thập kỉ do sự phát thải CO2 không ngừng nghỉ và các hiệu ứng nhà kính khác.
Các quốc gia đã đồng ý hạn chế lượng khí thải CO2 để giữ nhiệt độ trung bình của trái đất không tăng quá 2 độ C vào cuối thế kỉ 21.