Dân Việt

Nghi vấn "chi 3 triệu mới có bằng": ĐH Kinh doanh và Công nghệ phản pháo

Diệu Thu 15/06/2016 16:21 GMT+7
“Không có chuyện chi 3 triệu đồng thì có bằng”, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ khẳng định.

img

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Hôm nay, trên một số phương tiện đưa thông tin “ra trường hơn 2 năm vẫn không lấy được bằng tốt nghiệp: Chi 3 triệu đồng”  thì có bằng.

Theo nội dung phản ánh, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cố tình chậm trả bằng tốt nghiệp cho sinh viên và có thể một số cán bộ nhà trường và “cò” bắt tay nhau để “moi tiền” sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa nhận được bằng.

Trước thông tin này, trao đổi với phóng viên chiều 15/6, ông Vũ Văn Hóa – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, không có chuyện chi 3 triệu đồng thì có bằng ở Đại học Kinh doanh và Công nghệ.

Lãnh đạo nhà trường cũng khẳng định, thông tin nghi vấn về đường dây chuyên “chạy” lấy bằng là không đúng với thực tiễn.

Ông Vũ Văn Hóa lý giải, Đại học Kinh doanh Hà Nội có hai hệ thống phân cấp bằng là chính quy và liên thông. Về bằng chính quy do ông là thầy Vũ Văn Hóa đảm nhiệm, bằng liên thông từ trung cấp và từ cao đẳng giao cho thầy hiệu phó Hà Đức Trụ. Từ trước đến này chưa bao giờ có hiện tượng này.

Lý giải ra trường hơn 2 năm vẫn không lấy được bằng tốt nghiệp, ông Hóa cho biết, sinh viên ra trường không lấy được bằng đó là chuyện bình thường. Bởi sinh viên còn nợ môn, chưa trả hết môn.

“Trường hợp nào sinh viên không nhận được bằng là do họ chưa hoàn thiện được hồ sơ, môn học và… mải đi làm quên không lấy. Trường không có đường dây tiền triệu đó. Có trường hợp còn 3 năm đến 4 năm vẫn chưa lấy được bằng chứ đừng nói là 2 năm”, ông Hóa cho hay.

Trước những thông tin này, Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết, sau khi nhận được thông tin phản hồi từ báo chí, Ban Giám hiệu trường đã họp, làm việc và đưa ra kết luận: Không có việc trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ nợ bằng 2 năm và chi 3 triệu để có bằng đại học.

Ông Vũ Văn Hóa cũng lưu ý, trường hợp nào thắc mắc về chuyện trả chậm bằng, sinh viên có thể phản hồi trực tiếp, nhà trường sẽ xử lý. Thông thường, phòng giáo vụ sẽ mất 2-3 ngày nếu đủ thủ tục để trả bằng cho học sinh, vì còn tập hợp hồ sơ, bảng điểm giao lại cho Hiệu trưởng nhà trường.

Đến nay, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã nắm được thông tin này và sẽ vào cuộc điều tra. Nếu có sai phạm, Bộ GD-ĐT sẽ xử lý nghiêm và giải quyết theo đúng quy trình.