Dân Việt

Vụ NH CB và Công ty Phương Trang: Gần 6.000 tỷ đồng “biến” đi đâu?

Quốc Hải 15/06/2016 16:39 GMT+7
Phía Ngân hàng Xây dựng (CB) thì cho rằng tổng dư nợ của Công ty Phương Trang tại ngân hàng này lên tới 9.434 tỷ đồng, tuy nhiên kết quả đối chiếu công nợ mới nhất giữa công ty này và CB chỉ là hơn 3.436 tỷ đồng.

Số liệu hơn 3.436 tỷ này đã được chính CB xác nhận tại các Biên bản đối chiếu nợ vay ngày 18 và 19.12.2014 và gần đây là Biên bản làm việc ngày 19.10.2015 dưới sự chứng kiến của Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan Điều tra C46 (Bộ Công An). Thế nhưng vì sao sau đó CB vẫn cho rằng Phương Trang nợ 9.434 tỉ (cộng cả lãi lên đến gần 17.000 tỷ đồng).

Con số chênh lệch gần 6.000 tỷ đồng “biến” đi đâu?

Cụ thể, theo biên bản đối chiếu nợ vay của CB và Phương Trang ngày 18.12.2014 và biên bản làm việc giữa hai bên ngày 19.10.2015 đều xác nhận, Phương Trang chỉ nhận giải ngân 3.436 tỷ đồng. Trong khi đó, theo hồ sơ, sổ sách và chứng từ kế toán lưu tại CB, từ tháng 5.2010 đến tháng 2.2012, Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng Xây dựng) đã giải ngân cho CTCP Đầu tư Phương Trang và các thành viên hợp tác kinh doanh tổng số tiền 16.486 tỷ đồng, bao gồm 83 khoản vay và 1 khoản mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, có 47 khoản vay và 1 khoản mua bán trái phiếu còn dư nợ gốc 9.437/9.469 tỷ đồng tổng số tiền đã giải ngân.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là, khoản chênh lệch gần 6.000 tỷ đồng đã “biến” đi đâu?

Nhiều ô tô của Phương Trang đang dần trở thành sắt vụn vì giấy tờ bị cầm cố…

Theo đơn kiến nghị và cầu cứu của ông Phạm Đăng Quan, Tổng Giám đốc Công ty Phương Trang gửi Thủ tướng Chính Phủ ngày 18.12.2015 (lúc đó là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) đã nêu rõ, theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát Điều tra C46 (Bộ Công An), trong tổng dư nợ tín dụng 9.434 tỷ đồng mà CB nói là của công ty Phương Trang thì bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm vay Phú Mỹ) thừa nhận đã chiếm đoạt và sử dụng trái phép hơn 4.994 tỷ đồng (chưa kể còn khoảng 880 tỷ đồng chưa rõ nguồn).

“Để thực hiện mục đích chiếm đoạt, nhóm Hứa Thị Phấn đã câu kết với Hoàng Văn Toàn - Chủ tịch HĐQT, Trần Nam Sơn - Tổng giám đốc, Ngô Kim Huệ - Phó Tổng giám đốc cùng một số cán bộ chủ chốt của Ngân hàng Đại Tín (nay là CB) để sử dụng các thủ thuật nghiệp vụ kế toán ngụy tạo hồ sơ để ghi thêm thành Dư nợ khống số tiền vài nghìn tỷ đồng cho Công ty Phương Trang” - nội dụng của đơn kiến nghị gửi Thủ tướng của ông Phạm Đăng Quan (có ký tên, đóng dấu mộc), nêu rõ.

Để “hợp thức hóa” khoản nợ khống này, theo ông Quan thì phía nhóm bà Phấn, ông Toàn… đã vu khống và cho rằng “Đây là số tiền Công ty Phương Trang vay nên phải trả nợ cho bà Hứa Thị Phấn”.

Tuy nhiên, kết quả Điều tra của C46 Bộ Công An yêu cầu bà Hứa Thị Phấn chứng minh Công ty Phương Trang đã vay bà gần 5.000 tỷ đồng nói trên, bà Phấn không đưa ra được minh chứng nào chứng minh được nguồn tiền ở đâu để cho vay, ai đứng ra vay, ai đã nhận tiền vay và nhận khi nào? Giấy tờ vay mượn ở đâu?...

Được biết, từ năm 2002, Công ty Phương Trang đã có đơn tố cáo nhóm bà Phấn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công An… nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Theo ông Quan: “Giả sử số tiền vay mượn 5.000 tỷ đồng trên là có thật thì với lượng tiền lớn như thế phải có nhiều người tham gia (vận chuyển, đếm) và có giấy tờ nhận nợ cụ thể, rõ ràng nhưng bà Phấn không đưa ra được bất cứ chứng minh nào để chứng minh sự vay mượn là có thật”.

Hàng chục nghìn tỷ đồng để hoang phí

Phía Công ty Phương Trang cũng đề nghị CB sớm đưa ra lộ trình xử lý dứt điểm dư nợ 3.436 tỷ đồng đã được kiểm tra các dòng tiền giải ngân có sự chứng kiến của cơ quan quản lý.

Theo ông Phạm Đăng Quan, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phương Trang: “Chúng tôi đã đề nghị xử lý nợ bằng cách hoán đổi tài sản là sổ tiết kiệm để rút tài sản thế chấp nhưng không được CB giải quyết. Do đó, số dư nợ 3.436 tỷ đồng của Phương Trang và các thành viên hợp tác kinh doanh không phải là nợ xấu”.

Theo ông Quan, trong tổng số 14.500 tỷ đồng tài sản Phương Trang thế chấp tại CB (được định giá tại thời điểm vay vốn), chỉ có khoảng 200 tỷ đồng là xe khách các loại, còn lại là mấy trăm quyền sử dụng đất (có sổ đỏ). Tuy nhiên, sự chậm trễ xử lý nợ bằng cách hoán đổi tài sản là sổ tiết kiệm đã khiến cho khối tài sản thế chấp hơn 14.500 tỷ đồng của Phương Trang bị CB quản thủ, không đầu tư sinh lợi, không luân chuyển vốn kinh doanh, không tái tạo được của cải xã hội khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.

“Nếu CB có phương án xử lý dứt điểm, Phương Trang hoàn toàn có khả năng trả số nợ này”, ông Quan nói.

Về khẳng định của ông Đỗ Tất Khá, Phó Tổng GĐ của CB liên quan đến việc “nhóm Phương Trang vẫn đang khai thác tài sản thế chấp”. Theo đại diện của Phương Trang thì thông tin trên là… hoàn toàn sai sự thật.

Cụ thể, khối tài sản 9.924m2 đất tại phường Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức của Công ty TNHH TM DV Quang Thành (thành viên hợp tác của Phương Trang), đã bị UBND quận Thủ Đức thu hồi giấy phép sửa chữa, cải tạo làm cửa hàng xăng dầu, sau khi CB (thời điểm đó là Ngân hàng Đại Tín) có công văn đề nghị quận ngăn chặn thay đổi tài sản do là tài sản thế chấp tại ngân hàng này. Hiện khu đất này rơi vào tình trạng cỏ mọc lút đầu người, trở thành nơi tập kết rác thải.

Ngoài ra, hiện có 211 ô tô của Phương Trang đã không đăng kiểm được do giấy tờ bị cầm cố, không thể vận hành hay sang nhượng, dẫn đến hư hỏng, mục nát…