Ngoài Công ty Phương Trang với số nợ trên “giấy tờ” là 9.437 tỷ đồng, một loạt các “đại gia khó đòi” khác của CB cũng dần lộ diện như: Nhóm Phú Mỹ, nhóm Thiên Thanh, nhóm Tân Hiệp Phát.
Tại nhóm Phương Trang, theo hồ sơ sổ sách của CB, nhóm này có dư nợ gốc phải trả là 9.437 tỷ đồng (bao gồm tiền vay 7.437 tỷ đồng và trái phiếu doanh nghiệp 2.000 tỷ đồng), số nợ lãi phải trả là 9.349 tỷ đồng (đến ngày 30.11.2015) được đảm bảo bằng các tài sản bất động (TSBĐ) với tổng giá trị 7.334,6 tỷ đồng (do SIVC định giá).
Các tài sản nhóm Phương Trang hiện đang thế chấp tại CB gồm 230 quyền sử dụng đất (QSDĐ), 01 dự án và 211 xe ô tô (trong đó không đủ pháp lý có 7 QSDĐ và 1 dự án).
Tại nhóm Phú Mỹ, theo hồ sơ sổ sách của CB, nhóm này nợ CB tiền lãi phải trả đến ngày 30.11.2015 là 1.071 tỷ đồng với 29 khoản vay đã được Tập đoàn Thiên Thanh dùng vốn vay của CB và các tổ chức tín dụng khác để trả hết dư nợ gốc (29 khoản vay trên có TSBĐ là bất động sản có giá trị 1.360 tỷ đồng do SIVC định giá thời điểm ngày 4.9.2014).
Ngoài ra, Phú Mỹ cũng nợ CB 1.038 tỷ đồng dưới dạng các khoản phải thu góp vốn đầu tư (nợ lại đến ngày 30.11.2015 là 71 tỷ đồng).
Các tài sản nhóm Phú Mỹ thế chấp tại CB gồm 107 QSDĐ và 11.297.151 cổ phần của Công ty Chứng khoán Đại Việt và Công ty CP Bảo hiểm Hùng Vương (trong số này cũng có 4 QSDĐ không đủ pháp lý).
Các TSBĐ của nhóm này cũng đang bị C46 (Bộ Công an) phong tỏa.
Tại nhóm Thiên Thanh, theo hồ sơ thì nhóm này nợ CB 12.371 tỷ đồng (bao gồm nợ vay 4.700 tỷ đồng, bảo lãnh cho các công ty liên quan đến Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CB) bằng tiền gửi tại CB là 6.127 tỷ đồng; Ủy thác đầu tư Công ty quản lý Quỹ Lộc Việt 900 tỷ đồng; đặt cọc thuê nhà 581,6 tỷ đồng; đặt cọc đầu tư công nghệ thông tin 63,2 tỷ đồng)
Tài sản đảm bảo của nhóm Thiên Thanh được SIVC định giá là 2.603 tỷ đồng (ngày 4.9.2014).
Còn tại nhóm Tân Hiệp Phát, theo hồ sơ thì nhóm này nợ CB 5.490 tỷ đồng, được bảo đảm bằng 124 sổ tiết kiệm giá trị 5.934,3 tỷ đồng.
Thực trạng các TSBĐ tiền vay của nhóm Tân Hiệp Phát là 124 sổ tiết kiệm đã bị kê biên theo quyết định của C46 Bộ Công an.
Theo một đại diện của Ngân hàng Nhà nước, toàn bộ các khoản nợ nói trên hiện nay phải được phân loại là nợ xấu theo quy định của pháp luật. Trong đó, nợ của nhóm Tập đoàn Thiên Thanh, nhóm Tân Hiệp Phát hiện đang được C46 điều tra và xử lý theo phán quyết của tòa án và quy định của pháp luật. Riêng nợ của nhóm Phương Trang và Phú Mỹ có TSBĐ và có khả năng thu hồi được một phần đáng kể nếu có giải pháp xử lý phù hợp.