Dân Việt

Đắt cũng phải... nhắm mắt mua USD

19/11/2010 07:22 GMT+7
(Dân Việt) - Không chỉ thiếu vốn VND cho sản xuất kinh doanh, cuối năm là thời điểm phải trả nợ, nhập hàng Tết... nên “bài toán” USD đang khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu.

Ông Bùi Văn Phi - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xúc tiến tiểu thủ công mỹ nghệ cho biết: “Cuối năm doanh nghiệp nhập khẩu bao giờ cũng gặp khó khăn về ngoại tệ trong khi các ngân hàng không cung ứng đủ. Vì vậy, muốn có đủ USD để nhập hàng, chúng tôi chẳng còn cách nào khác là phải ra chợ đen mua, dù đắt hơn”.

img
Nhiều doanh nghiệp đang phải chấp nhận mua USD “chợ đen” để đảm bảo sản xuất, kinh doanh.

Theo nhiều doanh nghiệp nhập khẩu, dịp cuối năm là thời điểm cần nhiều ngoại tệ nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng vay được từ ngân hàng. Bên cạnh đó, ở thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi tỉ giá chênh lệch giữa ngân hàng và ngoài chợ đen quá cao.

Nếu ở ngân hàng, DN chỉ mua với giá 19.500 đồng/USD, thì giá ngoài chợ đen đội lên tới 21.000, thậm chí có thời điểm 22.000 đồng/USD. Nhiều doanh nghiệp cần ngoại tệ gấp, dù đắt cũng phải “nhắm mắt” mua ngoài thị trường chợ đen.

Theo ông Phạm Đăng Nam - Trưởng ban Thương mại thị trường (Tổng Công ty Phân bón và hoá chất dầu khí), giá USD cao lại phải thêm những chi phí nên kinh doanh của doanh nghiệp nhập khẩu phân bón không hiệu quả.

Cùng chung nhận định với ông Nam, ông Nguyễn Quang Tuấn – đại diện Công ty Phân đạm và hoá chất Hà Bắc cho biết: “Hiện tại công ty vẫn chủ động được ngoại tệ. Đề xuất của Hiệp hội Phân bón cần ưu tiên USD cho ngành là rất tốt, góp phần đưa giá phân bón giảm xuống”.

Trao đổi với NTNN, bà Nguyễn Thị Tiêu – Tổng Giám đốc Công ty XNK Hà Anh (thị trấn Đông Anh, Hà Nội) chuyên nhập khẩu phân bón cho biết: “Cuối năm ai chẳng thiếu USD. Để chủ động ngoại tệ, chúng tôi đã huy động từ các doanh nghiệp khác ngay từ đầu năm với giá cao nhất cũng chỉ là 20.150 đồng/USD. Nhưng bây giờ giá USD cao thì doanh nghiệp vẫn phải nhập hàng, nếu không nông dân khó khăn ngay”.

Khó huy động USD

Trao đổi với NTNN ngày 17-11, ông Nguyễn Hạc Thuý – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón cho biết: “Chính phủ đã có quyết định ưu tiên ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón để “hạ nhiệt” giá phân bón xuống.

Tuy nhiên, NHNN hiện vẫn chưa triển khai việc cho vay và ưu tiên ngoại tệ đối với các doanh nghiệp kinh doanh phân bón. Sắp tới, chúng tôi sẽ có buổi họp với NHNN xung quanh vấn đề này”.

Giải pháp trước mắt - Chính phủ và NHNN cần phải khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp hiện nay về nhu cầu vốn, nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động sản xuất kinh doanh - ông Cao Sĩ Kiêm nói.

Ông Lê Đức Thống – Giám đốc Công ty XNK cà phê 2-9 cho biết: “Doanh nghiệp vay USD để làm hàng xuất khẩu, khi xuất đi, việc thanh toán qua ngân hàng mình vay vốn là hợp cả tình và lý.

Tôi vay của anh thì bán cho anh là đạo lý nhưng ngân hàng cũng cần nghiên cứu sao cho tỉ giá thấp hơn ngoài thị trường tự do chút ít thôi. Với mức tỉ giá của ngân hàng như hiện nay, chênh lệch quá nhiều so với giá thị trường tự do thì chẳng doanh nghiệp nào dám bán”.

Ông Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, với ngoại tệ, hiện đang xảy ra một thực tế, doanh nghiệp có tiền cũng phải tìm cách giữ lại để phục vụ cho hoạt động nhập khẩu của những đợt tiếp theo.

Thực tế là vào thời điểm này việc vay hay mua USD đều rất khó đối với cả các NHTM và doanh nghiệp: “Theo tôi, giải pháp trước mắt Chính phủ và NHNN cần phải khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp hiện nay về nhu cầu vốn, nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu doanh nghiệp nào còn dư thừa lượng vốn, ngoại tệ, đặc biệt doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ cần có chỉ đạo bán lại cho NH để cho các doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ vay lại”.