Cả Luật DN 2005 và 2014 đều không “trói” được
Thưa ông, Luật DN 2005 và cả Luật DN 2014 có khá nhiều quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để đưa người vào các công ty mẹ, công ty con giữ chức vụ quan trọng đặt trong mối quan hệ thân nhân. Vậy việc đưa ông Vũ Quang Hải, con trai Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, vào chức tổng giám đốc PVFI, rồi thành viên HĐQT Sabeco đúng hay sai luật?
- Đúng là luật có quy định nhưng rất nửa vời. Đọc qua thì bao quát lắm nhưng thực tế thì hở đủ bề.
Điều 57 của Luật DN năm 2005 có quy định tiêu chuẩn và điều kiện làm giám đốc hoặc tổng giám đốc. “Đối với công ty con của công ty có phần vốn góp, cổ phần của Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ thì... giám đốc hoặc tổng giám đốc không được là vợ hoặc chồng, cha, mẹ, con,... của người quản lý và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý của công ty mẹ”. Thế nhưng xem lại phần giải thích từ ngữ của Luật DN thì ông Vũ Huy Hoàng có phải là “người quản lý” đâu, cũng không phải “người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý của công ty mẹ”.
Cho nên lúc ông Vũ Quang Hải làm tổng giám đốc PVFI năm 2011 là không sai Luật DN năm 2005.
Khi ông Hải làm thành viên HĐQT kiêm phó tổng giám đốc Sabeco vào đầu năm 2015 thì Luật DN 2005 vẫn còn hiệu lực và luật này lại không quy định điều kiện thân thích gì với chức danh thành viên HĐQT hay phó tổng giám đốc.
Khi Luật DN 2014 có hiệu lực từ 1-7-2015 thì vẫn không thể có hạn chế gì đối với ông Hải. Luật vẫn có Điều 100 quy định cấm cha, mẹ, con... của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đ?i di?n ch? s? h?u. ại diện chủ sở hữu. điều kiện này chỉ áp dụng cho giám đốc với tổng giám đốc, chứ không áp dụng cho thành viên HĐQT và phó tổng như ông Hải, nhất là lại không áp dụng với công ty dưới 100% vốn nhà nước.
Nghị định 102/2010 hướng dẫn Luật DN 2005 có Điều 15 quy định “hướng dẫn bổ sung” đề cập đến người đứng đầu cơ quan nhà nước. Cụ thể, giám đốc (tổng giám đốc) phải có các tiêu chuẩn và điều kiện: ...“Không được là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi hoặc anh, chị, em ruột của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty đó”. Ta có thể xem ông Vũ Huy Hoàng là người đứng đầu Bộ Công Thương mà?
- Nhưng điều kiện này lại chỉ áp dụng với giám đốc hoặc tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên thôi. Còn với công ty cổ phần, như Sabeco, trong điều kiện đảm nhiệm chức vụ thì luật lại không nhắc gì đến cụm từ “người đứng đầu cơ quan nhà nước”.
Nhiều “nhạy cảm”
Tuy vậy, việc ông Vũ Huy Hoàng khi đang là bộ trưởng Công Thương mà con thì làm thành viên HĐQT kiêm tổng giám đốc của Sabeco thì có gì đó không ổn?
- Khoản 4 Điều 37 về “Những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm”, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã quy định rằng bộ trưởng, thứ trưởng “không được để vợ hoặc chồng, cha, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp”. Điều này có thể hiểu, bộ trưởng Bộ Công Thương không được phép để con mình sản xuất bia, vì ngành này thuộc phạm vi quản lý của mình. Vì vậy con của bộ trưởng càng không nên dễ dàng trở thành người quản lý của công ty thuộc quyền quản lý của bộ mình.
Đó là chưa nói đến việc càng phải tránh những chỗ như Sabeco, một trong các DN có lợi nhuận lớn nhất Việt Nam nhưng vẫn do Nhà nước chi phối sở hữu.
Nếu bảo rằng anh có tài, anh giỏi, sao không về những nơi đang khó khăn để mà khắc phục tình hình, vực DN dậy. Còn Sabeco là đơn vị đang ăn nên làm ra, đang đà phát triển tốt nhất kia mà. Vậy phải hiểu sao?
Theo ông, có cần phải sửa Luật DN hay là phải có quy định nào khác để ngăn chặn tình trạng này? Ví dụ như quy định tuyển người vào vị trí DN có vốn nhà nước thì cũng phải công khai và thi tuyển, như việc thi tuyển công chức, thưa ông?
- Cứ cho là đã có công khai luôn đi, cho là có thi, có tuyển luôn đi. Tuy nhiên, Bộ vẫn có quyền giới thiệu thì anh nào tự vào mà không được giới thiệu thì rất khó. Chúng ta nghĩ sao về việc “quân” của ngành công thương đi chọn đúng con của ông bộ trưởng Công Thương?!
Về lý, đại hội đồng cổ đông Sabeco bầu thành viên HĐQT và HĐQT bổ nhiệm phó tổng giám đốc nhưng thực tế thì những người có lá phiếu quyết định việc này đương nhiên là người đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Công Thương.
Người ta hy vọng vào việc cổ phần hóa nhanh sẽ chấm dứt những chuyện thế này. Liệu điều này có khả dĩ?
- Nếu cổ phần hóa xong mà Nhà nước vẫn nắm giữ phần chi phối trên 51%, thậm chí 80%-90% vốn điều lệ thì vẫn là người chủ quyết định cuộc chơi, vẫn không khác nào DN nhà nước. Cái đích của cổ phần hóa thành công phải là tư nhân hóa và Nhà nước không còn nắm giữ cổ phần chi phối.
Mà một khi còn chi phối là còn những chuyện như này và không có luật nào “trói” cho nổi cả đâu! Chuyển cho tư nhân tự khắc DN sẽ phát triển mà nhân dân sẽ được lợi. Lúc đó thì cổ đông muốn bầu ai, muốn tuyển ai là tổng giám đốc là việc của họ, Nhà nước với các quan chức không “có phần”.
Xin cám ơn ông.
Hôm nay Sabeco và PVFI sẽ có báo cáo Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, muộn nhất trong hôm nay (17.6), Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) phải có báo cáo gửi Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) về quy trình đề xuất tiếp nhận ông Vũ Quang Hải về công tác tại Sabeco. Cùng với đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng phải gửi báo cáo quá trình tiếp nhận, bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm tổng giám đốc PVFI cũng như kết quả kinh doanh của PVFI trong thời gian ông Vũ Quang Hải làm tổng giám đốc tại PVFI. Chia sẻ với PV, ông Đào Văn Hải, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương), cho biết hiện đơn vị này vẫn chưa nhận được các báo cáo trên. |