Trao đổi với NTNN/Dân Việt, ông Phú cho biết, hiện nay phần lớn nông dân làm ăn nhỏ lẻ, không tuân thủ theo quy trình cụ thể nào nên nhiều siêu thị từ chối sản phẩm của nông dân. Thực tế cho thấy, việc tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản luôn là “bài toán” quá sức với bà con.
“Về nguyên tắc, hầu hết các siêu thị đều đưa ra những quy định rất cụ thể, rõ ràng cho từng mặt hàng. Tuy nhiên, đôi khi nông sản đã có đủ các tiêu chuẩn đó rồi, song vẫn không thể nằm được trên kệ hàng của các siêu thị. Nguyên nhân chính nằm ở những cán bộ thương mại, phụ trách mảng nhập hàng cho siêu thị. Nông dân nếu không biết văn hóa “phong bì”, “hoa hồng” thì hàng có tốt rồi cũng không vào được” - ông Phú khẳng định.
Nhiều nông sản của các trang trại đã có thương hiệu cũng vẫn chật vật khi vào siêu thị. Ảnh: T.L
Ông Phú cũng chia sẻ, do khâu thương mại không minh bạch nên một số loại nông sản của trang trại, hợp tác xã, các tổ chức… đã có thương hiệu nhưng vẫn khó vào được hệ thống siêu thị. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 63% doanh nghiệp phải “lót tay”, trong đó có lót tay ở bộ phận thu mua hàng cho siêu thị.
Trong Luật cạnh tranh có câu: “Đơn vị bán hàng không được từ chối hàng khi không có lý do chính đáng”, nhưng lý do chính đáng là gì thì rất khó giải thích. Họ bảo tôi đang chật kệ thì làm thế nào? Tôi theo dõi bán lẻ mấy chục năm và làm kinh doanh siêu thị rồi nên tôi chẳng lạ gì các “ngón” của họ” - ông Phú nhấn mạnh.
Với kinh nghiệm của mình, ông Phú khuyên người nông dân, các chủ trang trại cần tổ chức lại sản xuất, khi có trang trại, có HTX thì mới có hóa đơn và từ đó mới có chứng nhận, đủ điều kiện đưa được hàng vào siêu thị. Đồng thời, tiến tới thành lập các trung tâm giao dịch, sàn giao dịch cho từng mặt hàng nông sản.
“Ở các nước có sàn giao dịch nông sản, có chợ cá, chợ cam đấu giá rất công khai nên các siêu thị muốn có sản phẩm cũng phải tham gia đấu giá theo quy luật chung. Còn ở Việt Nam, làm kiểu dấm dúi, không minh bạch nên nông dân và trang trại nhỏ luôn chịu thiệt” – ông Phú nói.