Đã có 84 “địa chỉ xanh”
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, trước yêu cầu bức thiết của người tiêu dùng về quyền được tiếp cận nông sản thực phẩm an toàn và đẩy mạnh công tác truyền thông, bộ triển khai kế hoạch hành động năm cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2016 và tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, với sáng kiến của Báo NTNN phối hợp Bộ NNPTNT và các cơ quan truyền thông tổ chức Tuần lễ giới thiệu “Nông sản an toàn” và công bố Chương trình “Địa chỉ Xanh – Nông sản Sạch” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực mới cho các chương trình hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp.
Người dân chọn mua nông sản sạch tại phiên chợ nông sản an toàn diễn ra hàng tháng tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội). Ảnh:Trần Quang
Phiên chợ nông sản sạch mở hàng tháng không chỉ giúp tôi và bà con trong khu phố mua được sản phẩm đảm bảo an toàn mà chúng tôi còn tiết kiệm được thời gian để làm việc, chăm sóc cho gia đình nên ai cũng phấn khởi”. Bà Nguyễn Thị Phương |
“Chương trình này là dịp để Bộ và các địa phương công bố danh sách các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân đang sản xuất, kinh doanh nông sản đã được cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn trong cả nước; đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm hướng dẫn người tiêu dùng tìm đến những địa chỉ mua hàng tin cậy và lựa chọn những sản phẩm sạch, an toàn thường xuyên cho cuộc sống gia đình” – Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định.
Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), Bộ NNPTNT cho biết: Sau hơn 20 ngày công bố chương trình, tính đến ngày 24.5 đã có 84 cơ sở được chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi vào danh sách các “Địa chỉ Xanh- Nông sản Sạch”.
“84 “địa chỉ xanh” đều là nông sản sạch. Các sản phẩm tại các địa chỉ trên đều có nguồn xuất xứ rõ ràng trên nhãn, bao bì, đặc biệt là các sản phẩm từ các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các cơ sở sơ chế, chế biến, chăn nuôi đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Với các cơ sở nhỏ lẻ phải cam kết có các chứng nhận đảm bảo, tiêu chuẩn VietGAP hay các chứng nhận khác cũng được cho phép đưa vào danh sách “địa chỉ xanh” – ông Tiệp cho biết.
Giải “cơn khát” nông sản sạch
Ông Đào Văn Hồ – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Agritrade), Bộ NNPTNT cho hay: “Chúng tôi kỳ vọng người tiêu dùng sẽ đón nhận những sản phẩm chất lượng, có giá trị cạnh tranh, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu mà Bộ NNPTNT đang triển khai. Thời gian tới, hàng tuần, tại Agritrade sẽ tổ chức phiên chợ nông sản an toàn để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn và làm quen dần với các thương hiệu thực phẩm an toàn”.
Từ khi theo dõi trên các báo có đưa tin về chương trình “Địa chỉ xanh – Nông sản an toàn”, cứ vào các ngày cuối tuần của tuần thứ 2 và tuần cuối hàng tháng, bà Nguyễn Thị Phương ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) lại tìm đến phiên chợ nông sản an toàn tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp số 489 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) mua nông sản sạch về cho gia đình dùng.
Người tiêu dùng hồ hởi vì có nhiều nông sản sạch để lựa chọn, chủ nhân các cơ sở “Địa chỉ xanh” cũng phấn khởi không kém. Bà Đỗ Thị Hiệp – Chủ nhiệm HTX Chè Tân Hương ở xã Phúc Xuân, TP.Thái Nguyên cho hay: “HTX chúng tôi có hơn 40 thành viên với 22ha trồng chè, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 65 tấn chè khô. Chè của chúng tôi được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ Certified. Quy trình sản xuất này đòi hỏi mỗi xã viên phải tuân thủ quy định khắt khe từ trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến đến đóng bao bì”.
Theo bà Hiệp, từ khi thương hiệu chè của đơn vị bà được đưa vào chương trình “địa chỉ xanh”, khách hàng tìm đến mua nhiều hơn nên người trồng chè ở Phúc Xuân rất phấn khởi.