Ông Nguyễn Đình Chính ngồi trong chiếc xe bọc thép đang trong quá trình hoàn thiện.
Để ứng dụng thực tế còn rất xa
Vừa qua, chiếc xe bọc thép do ông Nguyễn Đình Chính (56 tuổi, ngụ Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) chế tạo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Chiếc xe này gồm 8 bánh, nặng 13 tấn, dài 6,8m, rộng 3m, cao 2,6m và có thể di chuyển với tốc độ từ 20 - 30km/h. Điều gây ngạc nhiên nhất là ông Chính chưa một ngày ngồi trên giảng đường đại học.
Sản phẩm của ông Chính cũng khiến nhiều người liên tưởng tới hình ảnh ông Trần Quốc Hải (huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh). Ông Hải là người đã sửa sữa, nâng cấp 11 chiếc và chế tạo mới 1 chiếc xe bọc thép cho Campuchia. Đóng góp của ông Hải đã được nước bạn công nhận và trao tặng huân chương Đại tướng quân.
Ông Trần Quốc Hải, người từng được Campuchia trao huân chương Đại tướng quân vì thành tích sửa chữa, nâng cấp và chế tạo mới xe bọc thép.
Nói về chiếc xe của ông Chính, ông Hải cho rằng, thông qua những hình ảnh, video trên mạng internet thì có thể thấy đây đang là mô hình, cần phải nghiên cứu thêm và thử nghiệm nhiều để hoàn thiện.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, một người thợ không chuyên mà có niềm đam mê, làm ra được sản phẩm như vậy thì đã rất đáng hoan nghênh. Từ kinh nghiệm thực tế, ông Hải khẳng định, việc chế tạo xe bọc thép đòi hỏi sự phức tạp và yêu cầu kỹ thuật cao. Sản phẩm đi từ mô hình tới ứng dụng thực tế cũng là một khoảng cách rất xa.
“Xe bọc thép đòi hỏi phải có thông số kỹ thuật chuẩn và đạt những yêu cầu nhất định cho từng mục đích sử dụng, đặc biệt trong chiến đấu. Tôi thấy có những điểm chưa hợp lý trên chiếc xe này, mặc dù vậy, khi ông Chính đã có đam mê và sự đầu tư, tâm huyết vào sản phẩm ấy thì mình cũng nên trân trọng”, ông Hải nêu quan điểm.
Xe nặng và tốc độ quá chậm
Theo ông Hải, để gọi là xe bọc thép thì chiếc xe đó phải hội đủ các tiêu chuẩn về khả năng chống đạn, cụ thể là chống được loại đạn nào ở khoảng cách bao xa. Hỏa lực của xe có tầm bắn xa, gần thế nào cũng là một tiêu chí quan trọng. Đặc biệt xe phải phù hợp với địa hình sử dụng cụ thể. Riêng ở Việt Nam, địa hình phức tạp đòi hỏi xe bọc thép phải có tiêu chuẩn về khả năng leo dốc, tốc độ chạy,...
Ở chiến trường Đông Dương khi xưa, hình thức đánh trận phổ biến là đánh du kích và cài bom, mìn nên người ta thường sử dụng xe không có lỗ châu mai như của Mỹ. Với loại xe này, người lính sẽ ngồi phía trên thay vì trong thùng xe. Trong khi đó, xe bọc thép của ông Chính có các lỗ châu mai ở hai bên như xe của Liên Xô có thể sẽ không phù hợp để sử dụng ở khu vực này.
Hai phía hông xe có 8 lỗ châu mai, mỗi bên 4 lỗ với góc bắn lên tới 5m để chiến sĩ bên trong có thể chiến đấu ở cự ly gần.
“Xe của ông Chính có trọng lượng 13 tấn là khá nặng so với nhóm xe bọc thép hạng nhẹ, thậm chí nặng hơn một số dòng xe bọc thép hạng trung. Chẳng hạn, xe bọc thép BTR-60 thuộc nhóm hạng trung nhưng có trọng lượng chỉ 10,1 tấn. Tôi nghĩ nếu xe có trọng lượng như ông Chính nói thì cần phải cải tiến nhiều hơn nữa để giảm bớt, giúp xe di chuyển linh hoạt hơn. Đặc biệt ở chiến trường Đông Dương nhiều bùn lầy, cần phải sử dụng loại xe bọc thép hạng nhẹ”, ông Hải nói.
Chiếc xe bọc thép của ông Chính có trọng lượng 13 tấn
Cũng theo ông Hải, nếu đúng chiếc xe này có tốc độ tối đa chỉ 30km/h như ông Chính chia sẻ trên báo chí là quá chậm. Tùy theo địa hình mà xe bọc thép sẽ chạy ở các tốc độ khác nhau nhưng tốc độ tối đa phải đạt ít nhất 80km/h.
“Xe bọc thép chạy bằng bánh hơi là sự hài hòa ở mức chấp nhận được giữa tính linh hoạt và chức năng chiến đấu của xe thiết giáp (hay xe tăng). Nếu làm ra xe bọc thép mà chạy rất chậm thì rõ ràng xe tăng sẽ có giá trị sử dụng hơn”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông Hải cho biết, trước khi làm xe bọc thép cho Campuchia, ông đã phải dành 2 năm để sửa 11 chiếc xe cho nước này cũng như tích lũy kinh nghiệm. Sau đó, ông mất 3 tháng để nghiên cứu thêm và cần 1 tháng để hoàn thành chiếc xe bọc thép hoàn toàn mới. Ông cũng đã tiếp cận với xe bọc thép của Mỹ, Liên Xô, Tiệp Khắc,...
“Với chiếc xe mà tôi chế tạo cho Campuchia, từng linh kiện làm xe như vỏ thép, bánh xe, ốc vít, súng,... đều theo tiêu chuẩn khắt khe của quân đội Campuchia. Sản phẩm hoàn thành chỉ nặng 7,8 tấn. Trong quá trình thực hiện, tôi đã phải nhiều lần thuyết trình, phản biện với quân đội nước họ để họ thấy được xe đảm bảo các tiêu chí đề ra và đưa sản phẩm vào biên chế chiến đấu”, ông Hải nói.
Video: Cận cảnh xe bọc thép của "thợ vườn" Hà Nội