Dân Việt

Trung Quốc doạ rút khỏi UNCLOS, điều gì xảy ra?

Thanh Minh (tổng hợp) 22/06/2016 09:39 GMT+7
Theo hãng tin Kyodo của Nhật, Trung Quốc đã nói với các nước châu Á khác là họ có thể rút ra khỏi Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) để trả đũa, nếu như Tòa Trọng tài Thường trực La Haye ra phán quyết trái với lập trường của Bắc Kinh trong các tranh chấp ở Biển Đông.

Tòa Trọng tài Thường trực được thành lập trong khuôn khổ Công ước LHQ. Năm 2013, Philippines đã đệ đơn lên tòa đề nghị xem xét tính hợp lệ của bản đồ “chín đoạn” thể hiện tham vọng lãnh thổ phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo giới chuyên gia, điều mà Trung Quốc lo ngại là tòa bác bỏ bản đồ “chín đoạn” và không thừa nhận các cơ sở pháp lý của các đòi hỏi lãnh thổ của Bắc Kinh. Theo nhiều nguồn tin, trong những tuần tới, Tòa Án sẽ ra phán quyết về vụ kiện này và có rất nhiều khả năng bất lợi cho Trung Quốc.

Chính vì thế, Trung Quốc đã nói với các nhà ngoại giao thuộc Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á  (ASEAN) là Bắc Kinh không loại trừ khả năng rút ra khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước này năm 1996 nhưng nhiều lần tuyên bố là Tòa Trọng tài Thường trực không có thẩm quyền xét xử vụ kiện và cũng sẽ không chấp hành các phán quyết của tòa nếu bất lợi cho Bắc Kinh. Mặt khác, Trung Quốc chỉ trích Philippines đã không chịu giải quyết các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông thông qua đàm phán song phương. Đồng thời Bắc Kinh lên án các nước ngoài khu vực can thiệp vào hồ sơ này.

Giới chuyên gia nhận định, nếu đúng Trung Quốc rút khỏi UNCLOS, tình hình Biển Đông sẽ dậy sóng trong thời gian tới, bởi những hành động phi pháp của Bắc Kinh sẽ tiếp tục leo thang, hay nói cách khác, Trung Quốc sẽ mặc sức làm càn, đi ngược lại với những quy định của luật pháp quốc tế.

img

Các hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông bị cả thế giới lên án.

Mặc dù vụ khiếu nại được nhiều bên quan tâm, song có một thực tế là Tòa Trọng tài ở La Haye không phân xử về những tuyên bố chủ quyền của các bên tranh chấp ở Biển Đông mà chỉ phân xử về các quyền hải dương gắn với các tuyên bố đó. Các chuyên gia cho rằng tòa có thể tuyên bố “đường lưỡi bò” không có hiệu lực pháp lý hoặc chất vấn về nó theo những cách thức buộc Trung Quốc phải làm rõ cơ sở pháp lý, điều mà Trung Quốc vẫn né tránh.

Nhiều chuyên gia cũng tin rằng tòa có thể sẽ phán quyết rằng một số đảo nhân tạo do Trung Quốc xây không có quyền đòi có lãnh hải xung quanh.

Phán quyết của Tòa Trọng tài không mang tính ràng buộc, nhưng quyết định không thi hành phán quyết sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Nếu phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, nước này có thể tìm cách trừng phạt Philippines, như áp dụng những biện pháp không chính thức để hạn chế khách du lịch hoặc hàng hóa nhập khẩu.

Nguy cơ lớn nhất là Trung Quốc phản ứng mạnh đối với một phán quyết bất lợi và quyết định leo thang những tham vọng quân sự của họ ở Biển Đông bằng cách tuyên bố quyền kiểm soát bầu trời như lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông hoặc tìm cách xây đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough mà Philippines đã đòi chủ quyền.

Để đề phòng những phản ứng hung hăng hơn của Trung Quốc, Mỹ đã đưa nhiều thiết bị quân sự đến khu vực, bao gồm các việc tàu sân bay và chiến đấu cơ ghé thăm Philippines. Thông điệp gửi đi là bất cứ động thái gì của Bắc Kinh trên bãi cạn Scarborough cũng sẽ gặp sự đáp trả đáng kể của Mỹ.

Trung Quốc cho rằng Mỹ không có quyền nói đến vụ kiện vì bản thân Washington không phê chuẩn Công ước LHQ  về Luật Biển. Bắc Kinh tố cáo Mỹ muốn khai thác vụ này để tạo dựng liên minh trong khu vực nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.