Cỏ là nguồn thức ăn chính cho trâu, bò, nên chi phí chăn nuôi loại gia súc này ở trang trại anh Thợi rất thấp, thu lãi cao.
Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Thợi, chị Nguyễn Thị Hoài ở xóm 1, xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) sau khi cưới nhau đã lập nghiệp tại vùng đồi Dụ Ngút. Đây là vùng bán sơn địa, gần hồ chứa nước lớn của xã, tuy nhiên đất đai khô cằn, khó canh tác, chỉ trồng được các loại cây như ngô, vừng, lạc, đậu cho năng suất rất thấp. Không cam phận đói nghèo, năm 2009, anh Thợi đi thăm quan một số mô hình trong và ngoài huyện, tìm hiểu cách làm ăn của các chủ trang trại rồi đi đến quyết định đầu tư quy hoạch vùng đồi này thành trang trại chăn nuôi tổng hợp.
Toàn bộ 3,2 ha diện tích anh dành 1,2 ha để quy hoạch hệ thống chuồng nuôi, 2 ha còn lại để trồng các loại cây nguyên liệu giấy như keo lai, bạch đàn. Xác định trong chăn nuôi luôn có rủi ro, nên anh tập trung đầu tư trang trại theo hướng tổng hợp, trong đó chủ lực là các loại gia súc, gia cầm như gà, lợn, bò và trâu. Đối với con gà, anh chọn những nhà cung cấp giống có uy tín như gà Phùng, gà Tiên Viên để nuôi. Riêng toàn bộ lợn giống thì trang trại tự cung tự cấp, với 6 con lợn nái đẻ. Đây cũng là một trong những bí quyết chăn nuôi của anh Thợi, nhằm tránh gom lợn giống từ nhiều nguồn khác nhau về, tránh lây lan bệnh tật.
Sau nhiều năm chăn nuôi, anh rút ra bài học lớn là muốn thành công thì điều kiện tiên quyết là phải làm tốt công tác thú y, mình không có chuyên môn thì đi thuê người có chuyên môn. Và công tác thú y thì phải được thực hiện theo định kỳ, không được gián đoạn, có như thế đàn vật nuôi mới khỏe mạnh, phát triển tốt. Ý thức được như vậy, công tác thú y tiêm phòng được anh đặc biệt quan tâm, và mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm trang trại anh xuất bán khoảng 25 tấn gà thịt, 100 tấn lợn thịt, từ 5 – 7 con trâu, bò, thu về hơn 1 tỷ đồng, lãi từ 400 triệu đồng/ năm.
Nuôi gà siêu trứng
Anh Thợi chia sẻ thêm một bí quyết trong chăn nuôi đó là, các khu chuồng trại nên quy hoạch xa nhau, phòng khi dịch bệnh xảy ra đỡ lây lan, toàn bộ diện tích xung quanh chuồng trại được trồng cỏ sữa và cây ngô làm thức ăn, đồng thời giúp làm sạch những tồn dư trong đất do phân gà thải ra, làm sạch môi trường trong khuôn viên trang trại. Hệ thống bi ô ga cũng là trợ thủ đắc lực giúp xử lý tốt nước thải, phân trong chăn nuôi lợn, bò, cung cấp khí ga, nguồn năng lượng điện thắp sáng đủ phục vụ cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt trong gia đình.
Từ nguồn thu từ trang trại, hiện nay gia đình anh đã xây dựng được cơ ngơi nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng có giá trị và trang trải chi phí học hành cho các con. Anh Thợi, chị Hoài trở thành ông bà chủ lớn trong chăn nuôi trên địa bàn xã Quỳnh Châu.