Dân Việt

Bí thư Tỉnh ủy mê... lội đồng

Tường Vy 23/06/2016 06:40 GMT+7
Người ta gọi ông là “nhạc trưởng” thích lội đồng, bởi ông dành nhiều thời gian để chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân (ND). Tấm danh thiếp in hình mía, khóm, lúa gạo, cá, bưởi như gửi gắm tâm quyết của ông vào các mặt hàng nông sản khi đảm nhận vị trí Chủ tịch UBND tỉnh. Giờ là Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhưng ông Trần Công Chánh vẫn giữ những “khuôn hình nông nghiệp” trên tấm danh thiếp của mình.

Nặng nợ với nhà nông

Tấm danh thiếp mang “thông điệp nông sản” đất châu thổ của ông Trần Công Chánh (Bảy Chánh) hẳn muốn gửi gắm nhiều trăn trở. Ngoài giới thiệu các loại nông sản đặc sản của Hậu Giang đến các vị quan khách, đối tác trong và ngoài nước, nó còn ẩn chứa niềm trân trọng và tri ân đối với những người ND một nắng, hai sương.

img

Ông Trần Công Chánh (phải) đi kiểm tra tình hình hạn mặn, phòng cháy rừng ở Khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng. Ảnh: Tường Vy

Cách đây hơn 5 năm, khi từ vị trí Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hậu Giang, ông Bảy Chánh nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ông đã có nhiều ngày cùng lãnh đạo ngành nông nghiệp lặn lội xuống đồng ruộng, trao đổi thẳng thắn với ND các vùng trồng cam sành ở Ngã Bảy, ND trồng mía ở Phụng Hiệp, trồng khóm Cầu Đúc ở Vị Thanh… để nắm bắt tâm tư của bà con, tìm phương kế sản xuất sao cho hiệu quả.

Từ Chủ tịch UBND tỉnh, rồi đảm nhận vị trí Bí thư Tỉnh ủy, nông nghiệp vẫn là nỗi trăn trở hàng đầu của ông Bảy Chánh, bởi đây cũng là tiềm năng, thế mạnh của Hậu Giang. Ở mỗi buổi tiếp xúc với ND, ông đều chia sẻ sự trân trọng với đất đai, tế nhị “hóa giải” những bức xúc của nông dân trong mối quan hệ với doanh nghiệp để cùng phát triển trong bối cảnh kinh tế khó khăn. 

 Các đặc sản mang thương hiệu Hậu Giang như: Bưởi Năm Roi trong đó đặc biệt là bưởi hồ lô; khóm Cầu Đúc; cá thát lát; cá rô đồng; lúa Hậu Giang; quýt đường Long Trị; cam sành Ngã Bảy; chanh không hạt Châu Thành… Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh quy mô lớn: Vùng lúa chất lượng cao 32.000ha; vùng mía 13.000ha; vùng khóm 1.500ha; vùng cây ăn trái đặc sản 10.000ha; vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung 1.500ha… 

Hậu Giang hiện là tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL về tăng trưởng nông nghiệp nhờ sự đóng góp chung của đội ngũ cán bộ và người dân Hậu Giang, song kết quả này cũng mang dấu ấn cá nhân từ những lãnh đạo tâm quyết với nông nghiệp. Những lần tiếp xúc, nắm bắt tâm tư của ND là tiền đề để ông Bảy Chánh đề nghị ngành nông nghiệp thực hiện Đề án “1.000” (năm 2014 - 2016), qua đó chuyển đổi 1.000ha lúa vụ 3 sang 2 lúa - 1 màu và 2 lúa - 1 thủy sản; 1.000ha đất trồng mía kém hiệu quả sang cây trồng khác; 1.000ha vườn tạp sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn… Đề án này bước đầu đã phát huy hiệu quả và giúp ND trong vùng đề án tăng thêm giá trị sản xuất từ 1,5 - 2 lần trên cùng diện tích canh tác.

 Kéo nhà khoa học đến với nông thôn

Trước tình hình hạn mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ông Bảy Chánh đứng ngồi không yên liên tục đi kiểm tra tình hình, hết ở Lương Tâm, Vĩnh Viễn (Long Mỹ), lại sang khu vực Quản lộ Phụng Hiệp tiếp giáp với Sóc Trăng để xác định các hướng xâm nhập mặn. Qua đó, ông trao đổi và chỉ đạo ngành nông nghiệp có giải pháp ứng phó, hạn chế thiệt hại cho ND. Từ đó, tỉnh đã nhanh chóng gia cố và xuống 150 đập thời vụ ngăn mặn kịp thời.

Không có biển, nhưng với địa hình trũng bị nước mặn uy hiếp từ biển Đông và biển Tây, nhiều người cho rằng Hậu Giang sẽ chịu thiệt hại nặng nề nếu không ứng phó kịp thời. Song, Hậu Giang hiện là địa phương có mức độ thiệt hại ít nhất vùng: 13 tỷ đồng (chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp) - một con số “dễ thở” hơn so với tổng thiệt hại 4.000 tỷ đồng  do hạn, mặn gây ra ở ĐBSCL.

Trong chuyến kiểm tra và làm việc hồi tháng 5.2016, về tình hình hạn mặn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đánh giá cao sự chủ động khắc phục hậu quả thiên tai của chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang.

Cũng thời điểm này, lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và tỉnh Hậu Giang đã có cuộc họp để chốt các nội dung chính của Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) diễn ra từ ngày 11 – 15.7.2016. Tại cuộc họp này, ông Bảy Chánh đã đề xuất bổ sung thêm hội thảo về biến đổi khí hậu (BĐKH). Nhiều người tỏ ra khá thú vị với đề xuất ở “phút 89” tại MDEC.

Ông Bảy Chánh nói đơn giản: “ĐBSCL đang trải qua trận hạn, mặn lớn nhất lịch sử. Việc 10/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL công bố thiên tai ở những mức độ khác nhau cho thấy, ĐBSCL đang phải đối diện với tình trạng BĐKH ngày càng cực đoan hơn. Chính vì vậy, chúng tôi muốn đưa hội thảo BĐKH vào MDEC để qua đó, có thể thu thập được các ý kiến đóng góp, giải pháp của các nhà khoa học, ghi nhận tiếng nói của các địa phương trong vùng nhằm đưa ra các đề xuất cụ thể để ĐBSCL từng bước thích nghi với BĐKH”.