Trang trại chăn nuôi và trồng trọt của vợ chồng ông Yên nằm dưới 1 thung lũng nhỏ của bản Na Lơi. Đứng trên sườn đồi mé quốc lộ nhìn xuống, căn nhà của vợ chồng ông như 1 chấm nâu nhỏ giữa xung quanh là màu xanh cây rừng. Từ sườn đồi đi gần 1 tiếng đường dốc, vượt qua con suối lớn thì mới tới khu trang trại. Ngôi nhà và khu chuồng chăn nuôi của vợ chồng ông Yên nằm giữa khu đất trước dòng giao thoa của 2 dòng suối Nậm Rốm và Nậm Khổ. Ngoài khu chuồng nuôi trâu, bò, dê là khuôn viên vườn rau và đồi sắn, ngô.
Ông Lò Văn Yên cắt cỏ, lá rừng cho đàn trâu ăn thêm mỗi khi nhốt chuồng. Ảnh: Đ.H
Vợ chồng ông Yên sử dụng nguồn điện từ máy phát điện nhỏ đặt dưới suối. Nguồn điện chỉ đủ để thắp sáng, chạy quạt, chứ không thể dùng tivi, tủ lạnh. Thiết bị thông tin duy nhất của 2 vợ chồng là chiếc đài bán dẫn nhỏ như hộp kẹo. Hỏi về nghề nuôi trâu, ông Yên hồ hởi hẳn: “Vợ chồng tôi có mấy chục năm nuôi trâu rồi. Thời điểm cao nhất, trong chuồng nhà tôi có tới vài chục con. Ngoài nuôi trâu, tôi còn nuôi bò, nuôi dê, gà, vịt, ngan, ngỗng… Mỗi thứ 1 tý, góp lại mới có tiền nuôi, dựng vợ, gả chồng cho mấy đứa con. Vợ chồng tôi không có tiền, đứa nào làm nhà tôi cũng cho mấy con trâu…”-ông Yên bộc bạch. Ngồi bên cạnh, bà Lò Thị Giót góp chuyện: “Trâu, bò, dê nuôi được, phần thì cho các con, phần bán đi để tiền tiết kiệm. Ở đây cách lế, không khí trong lành, trâu, bò, dê cho đến ngan, gà, vịt con nào cũng mau lớn…”.
Ông Yên chia sẻ thêm, những năm trước, đàn trâu, bò của vợ chồng ông toàn thả rông trên rừng. Có năm gặp rét đậm, rét hại có đến quá nửa số lượng bị chết trong rừng. “Hai năm nay, vợ chồng tôi hễ nghe đài báo có rét đậm, rét hại là phải đưa trâu về chuồng nhốt lại rồi. Ấy thế nhưng, rét hại kỷ lục đợt đầu năm 2016 cũng làm chết tới 6 con trâu và nghé con. “Mùa thu năm nay, tôi phải làm lại cái chuồng, mở rộng thêm ra và che chắn 4 xung quanh cho ấm áp thì đàn trâu sẽ giữ được…”-ông Yên dự tính. Hiện tại, đàn trâu của vợ chồng ông Yên có 14 con, đàn dê 15 con, đàn gà đồi gần 100 con và hơn 100 con ngan, vịt…