Dự án cải tạo mương thoát nước L2A hay còn gọi là mương Y khoa – Y cụ nằm ở ngõ 139 Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) được khởi công từ năm 2012, thế nhưng cho đến nay, đoạn mương này vẫn chưa thể hoàn thành.
Dự án cải tạo, nâng cấp mương thoát nước LA2 (ngõ 139 Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội) thuộc Dự án cải tạo kênh mương thoát nước giai đoạn II sử dụng nguồn vốn ưu đãi của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) được giao cho Ban Quản lí thoát nước Hà Nội phụ trách.
Dự án cải tạo đoạn mương dài khoảng 1,5km này được khởi công từ năm 2012, với kỳ vọng sẽ góp phần cải tạo môi trường sống của hàng trăm hộ dân trong khu vực. Thế nhưng chỉ sau 7 tháng thi công, dự án bỗng nhiên dừng lại và kéo dài cho đến tận ngày nay khiến người dân sinh sống dọc đoạn mương phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Có mặt tại con mương vào ngày hè nắng nóng mới thấy người dân nơi đây phải chịu đựng sự ô nhiễm nặng nề như thế nào. Mùi xú uế của nước thải sinh hoạt bốc lên nồng nặc, chỗ đọng nước tù bẩn thỉu trở thành nơi ruồi muỗi sinh sôi. Mặt đường gồ ghề ngổn ngang vật liệu xây dựng, sắt thép hoen rỉ chĩa lên mặt đường như bàn chông đe dọa tới tính mạng người đi đường nếu chẳng may trượt chân.
Bà Huệ (người dân sinh sống dọc con mương) cho biết: “Ngày nắng thì mùi xú uế bốc lên nồng nặc, còn hôm nào trời mưa to thì nước thải dềnh lên, ngập vào tận sâu trong nhà, lau dọn bao nhiêu lần vẫn không hết mùi”.
Rón rén đi qua cây cầu tạm bằng những tấm gỗ, ông Phương (ngõ 139 Khương Thượng) bức xúc: “Dự án đã kéo dài 4 năm nay mà giờ vẫn ngổn ngang đất đá, vật liệu xây dựng. Trẻ con được nghỉ hè tôi cũng không dám cho ra đường chơi vì sợ ngã xuống cống”.
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường hay đe dọa tới sự an toàn của người dân mà sự chậm trễ trong việc thi công dự án còn ảnh hưởng tới kế sinh nhai của nhiều hộ dân.
Bà Dĩnh (ngõ 139 Khương Thượng) trước đây mở một cửa hàng tạp hóa, thế nhưng từ khi công trình khởi công, đường dẫn vào nhà bà bị chia cắt khiến gia đình bà không thể buôn bán được gì nữa.
Đoạn mương kéo dài 1,5km được thi công chậm chạp khiến hơn 100 hộ dân sống dọc con mương phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Những vũng nước thải tù đọng trở thành nơi ruồi muỗi sinh sôi, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Do hệ thống mương thoát và nước thải chưa hoàn thiện nên nước thải sinh hoạt chảy trực tiếp ra ngõ. Người dân muốn vào nhà phải bắc cầu tạm.
Không có đường đi lại, người dân phải chấp nhận đi qua con mương đầy nước thải trên những tấm ván tạm bợ.
Muốn đi từ bên này sang bên kia ngõ, người dân phải trèo qua công trường đang thi công ngổn ngang sắt thép.
Những đoạn cống thi công lộ thiên, không rào chắn, không biển cảnh báo như những chiếc bẫy luôn rình rập, đe dọa sự an toàn của người dân.
Mặt đường bị cày xới rồi bỏ không phía bên trong công trường chỉ xuất hiện vài công nhân lác đác với tiến độ thi công hết sức chậm chạp.
Những đoạn cống, hố sâu hàng mét bị đào bới rồi bỏ không, người dân hằng ngày phải đi lại trên những tấm ván được ghép tạm bợ có thể sập bất cứ lúc nào.
Hàng tấn sắt thép hoen rỉ nằm phơi nắng - mưa nhiều năm nay không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng tới việc đi lại, an toàn của người dân.