Từng kinh qua nhiều công việc khác nhau, năm 2012 ông Trúng bắt đầu “bén duyên” với tôm thẻ chân trắng. Sau khi đã trang bị kỹ càng về kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh..., giữa năm 2012, ông Trúng quyết định mua hơn 100 vạn giống tôm thẻ về thả nuôi. “Không ngờ khi thả nuôi tôm lại thích nghi và lớn rất nhanh, chỉ sau mấy tháng tôm thẻ đã cho thu hoạch với sản lượng đạt trên dưới 50 con/kg, giá bán từ 150.000 - 170.000 đồng/kg. Hiện nay, với 3ha mặt nước, ông thả nuôi khoảng 300 vạn tôm thẻ giống, trừ mọi tri phí đầu tư, thức ăn… mỗi năm, ông thu lãi trên dưới 800 triệu đồng/ha.
Ông Cao Văn Trúng đang đổ cám cho tôm thẻ ăn trong ao nuôi của gia đình ở xã Hải Nam, huyện Hải Hậu, Nam Định. Ảnh: Hải Đăng
Ông Trúng cho biết, bí quyết tạo nên sự thành công của ông chính là nhờ sử dụng chế phẩm sinh học thay vì sử dụng phương pháp nuôi tôm truyền thống. “Cách nuôi truyền thống hay gặp dịch bệnh và năng suất tôm rất thấp nên tôi đã đi sưu tầm, nghiên cứu đưa các chế phẩm sinh học vào ao nuôi” – ông Trúng cho biết.
Theo ông Trúng, việc sử dụng chế phẩm sinh học hay các vi khuẩn có lợi để loại trừ các vi khuẩn gây bệnh bằng quá trình cạnh tranh là một giải pháp tốt hơn nhiều so với việc sử dụng thuốc kháng sinh. Nhờ bổ sung thêm các loài vi khuẩn có lợi được lựa chọn để loại trừ các vi khuẩn có hại nên thành phần các loài vi khuẩn trong ao nuôi có thể được thay đổi.
Bằng kinh nghiệm ông nhận thấy, Vibrio đã từng là nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh trên tôm. Để kiểm soát dịch bệnh do vi khuẩn Vibrio gây ra, người ta đã sử dụng thuốc kháng sinh, tuy nhiên cho đến thời điểm này, hiệu quả của việc sử dụng thuốc kháng sinh rất thấp. Việc sử dụng chế phẩm sinh học để loại trừ các mầm bệnh bằng quá trình cạnh tranh loại trừ là một giải pháp thay thế hữu hiệu hơn so với việc dùng thuốc kháng sinh và hiện được ứng dụng rộng rãi trong việc kiểm soát mầm bệnh trong nuôi trồng thủy sản.
Thực tế cho thấy, những con giống được sản xuất nhờ sử dụng chế phẩm sinh học có tỉ lệ sống và sức tăng trưởng cao hơn những con giống sử dụng kháng sinh hay chất hóa học khác. Chế phẩm sinh học trong nuôi tôm có vai trò quan trọng, phân hủy các chất hữu cơ và làm giảm đáng kể lớp bùn nhớt, giảm mùi hôi của nước trong ao. Có thể sử dụng chế phẩm sinh học từ giai đoạn cải tạo ao nuôi, trong suốt quá trình nuôi. Bên cạnh đó, chế phẩm sinh học có tính tương thích cao, sử dụng hiệu quả đối với nhiều hình thức nuôi tôm khác nhau, từ quảng canh đến thâm canh, siêu thâm canh, nuôi raceway (nước chảy)…
Ông Trúng cho rằng, nuôi tôm trong tình trạng thời tiết vụ đông xuân khắc nghiệt, ít ai đạt năng suất cao. Kết quả nuôi thử nghiệm tại ao của ông cho thấy, ao thử nghiệm chỉ dùng duy nhất chế phẩm E.M (tên tiếng anh là Effective Microorganisms) từ xử lý nước đến phòng chữa bệnh cho tôm và không đưa bất cứ loại thuốc nào. Kết quả năng suất đạt được gần 4 tấn/ha/vụ. Trước đây, để có chừng đó sản lượng tôm, ông Trúng phải đầu tư số phân, thuốc gấp 1,5 lần kinh phí dùng chế phẩm E.M, chưa kể tôm mắc bệnh thì chi phí còn cao hơn nhiều.
Để sử dụng hiệu quả chế phẩm E.M, ông Trúng cho rằng: Ngay từ khi xử lý bùn đáy hồ, bà con cần bơm hết nước sau khi thu hoạch tôm. Dùng 5 lít E.M pha với 100 lít nước phun cho 1000m2, để khoảng 10 ngày. Khi xử lý nước ao trong quá trình nuôi, bà con cần chú ý tưới đều 5-10ml E.M vào 1m3 nước ao nuôi tôm (cá) (kết hợp với sục khí đối với tôm nuôi công nghiệp), cứ 10 ngày tưới 1 lần.
Đặc biệt, trong xử lý thức ăn, bà con chỉ cần trộn hoặc phun 10 ml E.M/ kg thức ăn, ủ trong 4 giờ rồi cho tôm ăn. Trong trường hợp thức ăn cho tôm nấu chín phải để nguội mới trộn E.M vào.