Dân Việt

Người Thái Tây Bắc gìn giữ nếp nhà sàn

Nguyễn Duy 24/06/2016 06:28 GMT+7
Mặc dù thuộc diện tái định cư vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, dù Nậm Mạ là quê hương mới nhưng người dân bản Nậm Mạ 2 vẫn giữ nguyên nếp nhà sàn truyền thống. Ông Lò Văn Nguyễn - Trưởng bản Nậm Mạ 2 cho biết: "Khi phải chuyển từ bản cũ lên khu tái định cư, 60 hộ đã mang theo toàn bộ cột, khung, xà, thưng dựng, sang bản mới để dựng lại".

Tại nhiều địa phương, nhà sàn truyền thống của người Thái đã thay đổi cơ bản về cấu trúc cũng như cách làm cho phù hợp với điều kiện kinh tế và sinh hoạt, nhưng ở Lai Châu, đồng bào Thái vẫn giữ nguyên bản sắc truyền thống của những ngôi nhà sàn bình dị với mái phủ rêu phong, lấp ló sau những rặng cây và nằm quần tụ ven suối, tạo nên khung cảnh sơn cước đặc trưng của một góc vùng Tây Bắc.

Bản Hua Ná, xã Pa Khóa, huyện biên giới Sìn Hồ là một trong những nơi còn lưu giữ được vẻ đẹp của nhà sàn dân tộc Thái Tây Bắc. Ông Lào Văn Uốn - Trưởng bản Hua Ná cho biết: "Ở Hua Ná có 93/96 hộ dân ở nhà sàn truyền thống. Việc giữ gìn văn hóa nhà sàn luôn trong ý thức của từng người”. Theo đó, nhà sàn xưa của tổ tiên người Thái được làm hầu hết bằng gỗ to lấy trên rừng. Phải mất khá nhiều thời gian mới tìm được cây gỗ ưng ý về làm cột nhà. Khi tìm đủ gỗ, phải ngâm từ 1 - 3 tháng dưới ao rồi mới vớt lên làm cột nhà. Người Thái thường dựng nhà cao 2m so với mặt đất để chống ẩm thấp và thú dữ.

img

Ngôi nhà sàn của người Thái Tây Bắc được dựng mới vẫn giữ nguyên dáng dấp của nhà sàn truyền thống.  ảnh: I.T

Điều đặc biệt trong ngôi nhà sàn của đồng bào Thái là không sử dụng sắt. Nhà sàn thường được chia thành 3 - 5 gian buồng; nhà có điều kiện thì chia thành 7 gian buồng; nhà nào càng nhiều gian càng giàu có. Không chỉ thế, các ngôi nhà còn trang trí rất nhiều hoa văn, họa tiết tinh xảo như hình bông hoa, sừng trâu, răng cưa... ở xà nhà, lan can cầu thang, trên cửa sổ.

Mặc dù thuộc diện tái định cư vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, dù Nậm Mạ là quê hương mới nhưng người dân bản Nậm Mạ 2 vẫn giữ nguyên nếp nhà sàn truyền thống. Ông Lò Văn Nguyễn - Trưởng bản Nậm Mạ 2 cho biết: "Khi phải chuyển từ bản cũ lên khu tái định cư, 60 hộ đã mang theo toàn bộ cột, khung, xà, thưng dựng, sang bản mới để dựng lại. Vì thế, những ngôi nhà sàn ở bản Nậm Mạ 2 vẫn giữ được thiết kế truyền thống là có 2 cầu thang lên xuống ở đầu nhà và cuối nhà. Theo quan niệm, cầu thang ở đầu nhà thường dành cho nam giới, những người cao tuổi đi lại; còn cầu thang cuối nhà là dành cho con dâu, phục vụ việc nấu nướng, nội trợ, bếp núc.

"Bản Nậm Mạ 2 có rất nhiều nhà sàn cổ, trụ được làm bằng gỗ sấu ngâm nước nên qua nhiều thời gian, gỗ vẫn bền và ít bị mối mọt. Bởi vậy, thời gian qua đã có người ở nơi khác đến ngỏ ý muốn mua nhà sàn với giá rất cao, nhưng người dân không bán" - Trưởng bản Nguyễn cho biết thêm.