Ông Vang cho biết: Trong những năm qua, ngành thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đã có sự tăng trưởng trung bình 11,8%, đạt 10,6 triệu tấn (2010) và năm nay đạt khoảng 12 triệu tấn. Năm 2010, ngành TĂCN đã đạt giá trị tới 93.000 tỷ đồng (4,6 tỷ USD), trong đó có trên 64% là của các công ty nước ngoài. Tôi nói như thế để thấy rằng, CN công nghiệp đã tăng tương ứng 11,8%, vì ở đây người dân đã có yếu tố hạch toán trong CN. Như vậy, chứng tỏ CN công nghiệp đang thành công.
Các mô hình chăn nuôi lớn sẽ dần lấn át chăn nuôi nhỏ (ảnh chụp tại một trang trại chăn nuôi ở Sóc Sơn - Hà Nội). |
Vẫn phải nhập khẩu thịt lợn
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, nếu trước đây cả nước có 8 triệu hộ nuôi lợn, thì hiện chỉ còn 3 triệu hộ, tức giảm 5 triệu hộ, điều đó có nghĩa khoảng 10 triệu con bị hụt đi. Đây có phải là yếu tố khiến nguồn cung thịt lợn không đáp ứng được, thưa ông?
PGS-TS Nguyễn Đăng Vang |
- Đương nhiên khi CN lớn phát triển lên, thì sẽ lấn át dần mô hình CN nhỏ. Loại hình CN nhỏ mặc dù vẫn tồn tại, nhưng do không đảm bảo tính chất công nghiệp, dẫn đến dịch bệnh và người ta bỏ. Vừa qua, dịch bệnh chết cũng chủ yếu là ở các hộ nhỏ, lẻ và họ không tái đàn nữa, nên gây thiếu đi nguồn thịt đó. Bây giờ tốc độ CN công nghiệp đã cao rồi, nhưng cần phải cao hơn nữa mới kịp nhu cầu về tiêu thụ thực phẩm của người dân.
Trong chiến lược CN giai đoạn 2010-2025, chúng ta đã đề ra kế hoạch thịt phải tăng trưởng 8,6%/năm, nhưng không tăng được như thế, mà mới chỉ đạt 7,44%%, tức thiếu 1,3%, tức thiếu mất gần 60.000 tấn. Để bù đắp lại lượng thiếu hụt này, chúng ta phải nhập khẩu thịt (năm 2010 nhập 83.000 tấn các loại). Do đó, chiến lược mới là phải tạo điều kiện để những người chăn nuôi lớn thay thế các hộ chăn nuôi nhỏ.
Bên cạnh đó, việc tăng giá còn do đầu vào của TĂCN tăng (từ đầu năm giá TĂCN đã tăng 16,7% đối với lợn). Nhưng vì sao thịt lại tăng hơn TĂCN, bởi chúng ta còn nhiều yếu tố khác như tăng lương và nhu cầu không đáp ứng được. Do đó, theo tôi trong năm nay, chúng ta phải nhập khẩu ít nhất 100.000 tấn thực phẩm mới đủ nhu cầu.
Mổ xẻ các nguyên nhân trên để thấy rằng, ngành CN nước ta đang gặp rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo ông, ngay bây giờ, chúng ta cần có giải pháp gì để tháo gỡ?
-Theo tôi, giải pháp ngay lập tức là phải kiểm soát được số liệu xuất, nhập khẩu thịt chính xác là bao nhiêu. Chúng ta mới biết được số lượng xuất chính ngạch, còn số xuất tiểu ngạch không nắm được, nên cần phải khuyến khích, thậm chí ủng hộ xuất chính ngạch, không ngăn cấm. Vì có muốn ngăn cấm cũng không được, do nước ta đã gia nhập WTO, nên không thể ngăn cản việc xuất khẩu bằng mệnh lệnh hành chính, mà phải bằng công cụ về thuế. Thứ nữa, là phải nắm được con số về nhập khẩu, chúng ta cũng phải dùng thuế để điều tiết lượng thịt nhập khẩu vào Việt Nam, phải kiểm soát được nhập khẩu, mới cân bằng giá thực phẩm trong nước.
Một giải pháp nữa, theo tôi là phải phát triển CN quy mô lớn, theo chuỗi thực phẩm có kiểm soát được an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Hiện công việc này là yếu, các lò mổ nhỏ lẻ vẫn còn tồn tại rất nhiều. Chúng ta phải quan tâm đến vấn đề này để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân.
Cần tháo gỡ vốn, đất đai...
Thời gian qua, rất nhiều người dân, chủ trang trại, doanh nghiệp đã cho rằng chính yếu tố vốn và lãi suất ngân hàng đã gây khó khăn cho ngành chăn nuôi. Vậy phải làm thế nào để vốn “chảy” được về với người CN, thưa ông?
- Theo tôi, vốn cho ngành CN như bây giờ là không thể chấp nhận được. Làm sao có thể vay vốn với lãi suất 25% để đi nuôi lợn được, mà lợn phải mất 6 tháng mới giết thịt được, nếu vay với lãi suất như thế chỉ có chết. Cho nên, hiện nay người chăn nuôi không có vốn, muốn giải quyết được vấn đề này, Nhà nước phải có chính sách về vốn, chúng ta không thể ôm tiền đi cho người dân được, nhưng phải có biện pháp để hạ lãi suất xuống, bằng cách hỗ trợ qua lãi suất ngân hàng, vốn mới chạy về người nông dân, ví dụ lãi suất đang là 25%, thì Nhà nước đưa cho ngân hàng 15% để hỗ trợ cho nông dân, còn nông dân chỉ chịu 10%.
Tôi đơn cử như vay của Ngân hàng Thế giới (WB) cho nông dân, họ chỉ tính lãi suất có 2%, nếu tính cả lạm phát thì coi như WB cho vay không lấy lãi. Do đó, phải vay quốc tế cho các doanh nghiệp đầu tư CN lớn. Như hồi tôi làm ở Cục Chăn nuôi, đã vay được 66 triệu USD năm 2008 cho CN trong vòng 5 năm, nhưng con số này vẫn còn quá ít, vì theo tính toán trong 14 năm tới, Nhà nước cần đầu tư 900 triệu USD, tức mỗi năm khoảng 60 triệu USD cho CN, còn lại nông dân bỏ ra 13 tỷ USD trong 14 năm tới.
Một vấn đề nữa cũng được các doanh nghiệp than vãn rất nhiều là chính sách về đất đai cho chăn nuôi. Nhiều doanh nghiệp, mặc dù sản xuất có lãi, nhưng cũng không thể mở rộng quy mô vì thiếu đất?
- Bây giờ, một trại lợn nuôi tới 20.000 con, thì không thể nuôi ở giữa hai làng được. Như Công ty CP Thái Lan, họ phải vào tận Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu để xây dựng trang trại nuôi lợn. Các trại nuôi lợn phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 5km và cần cho doanh nghiệp thuê đất với mức thấp nhất. Theo tôi, đầu tư vào khu trung du miền núi để nuôi lợn là tốt nhất, nhưng vừa rồi chúng ta lại không quy hoạch vào vùng trung du. Đó là vấn đề cần phải làm ngay. Muốn có đất, phải lên trung du, chứ đòi hỏi ở đồng bằng là không có, như ở đồng bằng sông Hồng không thể chăn nuôi lớn được.
Vừa rồi, Cục Chăn nuôi có đề xuất lập Quỹ Bình ổn giá thịt lợn, vì cho rằng Trung Quốc cũng áp dụng chính sách này. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi không ủng hộ thành lập quỹ này, vì thực ra không có quỹ nào giúp giải quyết được vấn đề về giá cả. Đấy là ước mong, nhưng khi đưa ra thực hiện là sẽ bị lách luật ngay. Không phải cứ thấy Trung Quốc làm gì, chúng ta cũng bắt chước, vì mặc dù họ có quỹ nhưng giá của họ vẫn tăng, họ vẫn phải sang ta mua lợn, nên quỹ của họ là dở. Khi ta muốn lập Quỹ Bình ổn này, thì phải xem tính khả thi ở đâu. Theo tôi, tính khả thi là không có và nên nghiên cứu, xem xét lại.
Nhiều doanh nghiệp CN trong nước đã rất bức xúc khi cho rằng, họ đang bị chèn ép và bị chính Công ty CP Thái Lan thao túng thị trường. Theo ông, liệu có việc CP thao túng thị trường để đẩy giá thịt lợn trong nước lên?
- Nếu một doanh nghiệp chiếm được 35% thị trường, mới thao túng được thị trường. Hiện chưa có một doanh nghiệp nào ở Việt Nam vượt quá 18%, như CP mới chiếm 16% lượng TĂCN (1,7 triệu tấn), nên không thể nói CP thao túng thị trường được. Song chúng ta cũng cần xem xét, họ có vị trí thống lĩnh không như có thể 5-6 doanh nghiệp lớn liên kết lại ngầm với nhau để thống lĩnh thị trường.
Theo tôi, hiện nay là khó có khả năng này, nhưng chúng ta vẫn cần phải đề phòng và xem xét, vì có thể họ làm mà chúng ta không biết, các doanh nghiệp đã ngầm liên kết với nhau để thao túng và đẩy giá lên. Nhưng thực tế, lợi nhuận của ngành TĂCN hiện vẫn là đúng mực, vừa phải, còn khả năng họ thao túng thị trường để lấy lợi nhuận cao là không có.
Xin cảm ơn ông!
Lê Hân (thực hiện)