Dân Việt

Động cơ thực phía sau lá phiếu Anh rời bỏ châu Âu

Phương Đăng (tổng hợp) 24/06/2016 13:49 GMT+7
Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) có thể không được quyết định bởi các động cơ về kinh tế mà xuất phát từ tư tưởng bài ngoại. Nhiều cư tri đi bỏ phiếu trưng cầu Brexit đã không ngại thừa nhận, họ muốn rời khỏi EU để ngăn chặn dòng người nhập cư đổ vào Anh và phá hoại Vương quốc.

Theo VOX, một cử tri trung niên, da trắng, tóc đen tên là Bob tham gia bỏ phiếu trưng cầu Brexit ngày 23.6 thừa nhận, ông tin rằng, người nhập cư Hồi giáo và Đông Âu đang hủy hoại nước Anh.

"Chúng tôi đang cho phép những kẻ hiếp dâm. Chúng tôi đang cho phép những điều tệ hại. Tôi có 4 đứa con. Sẽ ra sao nếu không có đủ công ăn việc làm cho các con tôi?", Bob tuyên bố.

Động lực của Bob - một trong hàng nghìn cử tri Anh ủng hộ Vương quốc rời khỏi EU không phải là các vấn đề kinh tế mà là vì sự bài ngoại.

img

Không ít cư tri Anh ủng hộ Brexit vì bài ngoại, chống nhập cư.

Bài ngoại - động lực chính cho Brexit

Trước khi thành lập EU năm 1993, nhập cư không phải là vấn đề lớn đối với người Anh. Số người đến đến Anh trừ đi số người rời khỏi Vương quốc chỉ ít hơn 100.000 người mỗi năm.

Tuy nhiên, mọi thứ nhanh chóng thay đổi. Từ năm 1993 đến 2014, số lượng người nhập cư đổ vào Anh tăng gấp đôi từ 3,8 triệu người lên 8,3 triệu người. Cùng khoảng thời gian này, số lượng công dân nước ngoài có quốc tịch Anh tăng từ gần 2 triệu lên hơn 5 triệu người, theo số liệu được các nhà nghiên cứu Oxford cung cấp. Từ năm 2004 đến năm 2014 là giai đoạn nhập cư vào Anh bùng nổ.

Các quy định của EU đã đóng vai trò then chốt trong việc lượng người nhập cư vào Anh gia tăng chóng mặt. Điều đó khiến nhiều công dân Anh gốc ấn tượng rằng, EU và khủng hoảng nhập cư có liên hệ chặt chẽ với nhau.  Các cuộc khảo sát mới nhất cho kết quả, 77% người Anh muốn tỷ lệ nhập cư vào nước này phải giảm, thúc đẩy phản ứng chống nhập cư mạnh mẽ.

Cũng theo kết quả khảo sát hồi tháng 5.2016, 52% người Anh tin rằng, Brexit sẽ cải thiện hệ thống nhập cư của Anh, trong khi chỉ 21% có quan điểm ngược lại.

"Họ đã biến cuộc chưng cầu dân ý về Brexit thành một cuộc bỏ phiếu ủy quyền về vấn đề nhập cư", ông  Ed Rooksby, một nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford bình luận.

Hậu trưng cầu Brexit, sóng gió không lặng trên chính trường Anh

Tính đến thời điểm này, theo truyền thông Anh, cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh có rời khỏi Liên minh châu Âu EU hay không đã có kết quả. Theo đó đa số người dân Anh chọn rời khỏi EU.  

Giới phân tích bình luận, Anh sẽ thu được một số lợi ích trước mắt khi rời khỏi EU. Đầu tiên là, việc rời khỏi EU giúp Anh không phải bỏ đồng bảng và dùng đồng euro vào năm 2020 như quy định. Hiện một đồng euro hiện có giá trị chỉ bằng 3/4 đồng bảng Anh. Những người ủng hộ Brexit cho rằng EU bóp nghẹt sự phát triển của nền kinh tế Anh sau khi xem sự chênh lệch tỷ giá tiền tệ như là bằng chứng cho thấy kinh tế Anh mạnh hơn, sẽ phát triển tốt hơn nếu rời khỏi EU.

Thứ 2, chính sách nhập cư của Anh cũng sẽ thay đổi và hệ thống phúc lợi sẽ ưu tiên chỉ phục vụ cho người Anh. Ngoài ra, rời khỏi EU cũng giúp Anh không bị trói buộc bởi các thỏa thuận thương mại, luật pháp và sự quản lý chung của EU đồng thời giúp tiết kiệm khoản phí thành viên, lên tới 13 tỷ bảng trong năm ngoái cho nước này.  

Tuy nhiên, theo nhiều chiến lược gia, chính trường Anh hậu trưng cầu Brexit sẽ vẫn đầy sóng gió.

"Nếu kết quả trưng cầu là rời khỏi EU, thậm chí khi tỷ lệ phiếu bầu ở lại cực thấp, sẽ không xảy ra cơn đại hồng thủy ngay lập tức, nhưng những cuộc tranh luận sẽ không ngừng diễn ra. Trong khi đó, nếu sự chênh lệch phiếu bầu hẹp, thì hậu trưng cầu Brexit sẽ thổi bùng lên những cơn bão mới", ông David Roche, chiến lược gia toàn cầu, Giám đốc trung tâm Chiến lực Độc lập chia sẻ.