Kim Sơn là huyện ven biển duy nhất, có diện tích đầm nuôi, trồng thủy hải sản lớn nhất của tỉnh Ninh Bình. Những năm gần đây, ngoài nguồn thu chính từ hải sản người dân còn kiếm hàng chục triệu nhờ thu vớt rau câu.
Chị Trần Thị Hoa (xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn) có 3 ha nuôi trồng thủy sản, mỗi năm gia đình chị thu gần 100 triệu từ rau câu. Ảnh: Phương Vy.
Rau câu thực chất là một loại tảo giàu chất dinh dưỡng, được sử dụng trong chế biến thực phẩm, thức uống giải khát... Gần đây, nhu cầu sử dụng rau câu cao nên số lượng người đi vớt rau câu ở các xã ven biển ở Kim Sơn càng nhiều.
Trong 6 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn chỉ 3 xã mép nước có sản lượng rau câu nhiều là Kim Hải, Kim Trung và Kim Đông. Mỗi năm, những gia đình có đầm nuôi thủy sản ở đây đều kiếm thêm 20-40 triệu đồng từ nguồn “lộc trời” này.
Gia đình anh Nguyễn Văn Xuân (xã Kim Trung) có khoảng 3 ha nuôi trồng thủy sản. Ngoài thu nhập chính từ tôm nuôi thì rau câu mang lại nguồn thu đáng kể. “Năm trước gia đình tôi được gần chục tấn rau câu, với giá 4.000-6.000 đồng/kg tổng thu khoảng 40 triệu đồng. Năm nay rau câu ít hơn vì thời tiết nắng nóng nhưng chắc cũng không kém những năm trước, có ít thì gia đình tôi cũng kiếm thêm được vài chục triệu”, ông chủ đầm tôm nói.
Rau câu phát triển mạnh từ tháng 2 tới tháng 9 (âm lịch) hàng năm. Nhưng số lượng nhiều hay ít và chất lượng ra sao thì còn phụ thuộc thời tiết.
Rau câu là loại tảo biển rất giàu dinh dưỡng, được sử dụng trong chế biến thực phẩm, thức uống giải khát... Ảnh: Phương Vy.
Anh Lý (xã Kim Hải) cho biết, năm nào gia đình cũng kiếm trên 30 triệu từ nguồn tận thu rau câu trong đầm nuôi tôm. “Rau câu mọc tự nhiên ở các đầm nuôi trồng thủy sản. Tới mùa nó mọc thành từng mảng, rất nhiều. Chỉ cần vợt hoặc dùng tay để vớt sau đó phơi khô rồi đem bán cho thương lái là có tiền”, anh Lý nói. Nông dân này cho hay, có thời điểm sản lượng rau câu quá nhiều, chủ các đầm tôm, cua phải huy động người xuống vớt.
Ước tính mỗi năm 3 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn thu khoảng 2.000-3.000 tấn rau câu. Với giá bán trung bình từ 4.000-6.000 đồng một kg, người dân luôn có nguồn thu nhập đáng kể và ổn định từ loài tảo biển này.
Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết, dù rau câu đem lại nguồn thu cho nhân dân nhưng sự phát triển của loài tảo này làm ảnh hưởng đến thủy sản vì nó làm hạn chế lượng ôxy trong đầm.
Rau câu ở Kim Sơn sau khi được phơi khô sẽ nhập cho thương lái. Ảnh: Phương Vy.
“Sản lượng rau câu trong đầm càng nhiều thì năng suất, chất lượng thủy sản càng giảm”, ông Sơn nói. Ông cho hay, huyện chưa có định hướng phát triển nuôi trồng loại tảo này bởi thủy sản mới là nguồn thu nhập chính và là chiến lược phát triển kinh tế lâu dài của huyện.