Dân Việt

Giữ lại tiếng chiêng Mường

01/08/2011 10:32 GMT+7
(Dân Việt) - Giữa nhịp sống hiện đại, ít ai ngờ ở một vùng quê nghèo tại huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) vẫn còn giữ được nhịp chiêng trống ngàn đời của người Mường.

Dàn chiêng 9 nốt nhạc

Huyện Cẩm Thủy là một trong những trung tâm lưu giữ cồng chiêng của người Mường ở Thanh Hóa. Hiện nay, toàn huyện vẫn còn lưu giữ hàng trăm chiếc cồng, chiêng lớn nhỏ tập trung ở các xã Cẩm Ngọc, Cẩm Thành, Cẩm Liên, Cẩm Thạch, Cẩm Quý, Cẩm Tâm...

img
Chiếc chiêng quý cỡ lớn còn được lưu giữ tại một gia đình ở xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá).

Số lượng đầy đủ của dàn cồng chiêng xưa thường có 12 chiếc, nhưng ngày nay, người ta thường gặp những dàn cồng chiêng có số lượng ít hơn. Hiện nay ở CLB Văn hóa nhạc cụ dân tộc làng Đồng Lão, xã Cẩm Ngọc còn lưu giữ một bộ chiêng gồm 9 cái, tương ứng với 9 nốt nhạc. Đây là một trong những bộ cồng, chiêng quý của cộng đồng người Mường bởi những bộ chiêng ở nơi khác thường chỉ biểu thị cho 4 nốt nhạc.

Ông Quách Văn Thư - một nghệ nhân trong CLB cho biết: “Chiêng của đồng bào dân tộc Mường ở Cẩm Thủy có nét khác một số địa phương là chiêng ở đây có núm. Núm chiêng và dùi đánh chiêng, cồng tượng trưng cho quan hệ âm, dương mang ý nghĩa phồn thực. Tuy nhạc khí dân tộc cả người Kinh và người Mường đều có cồng, chiêng, nhưng có một điểm khác nhau là cồng, chiêng ở người Mường có bộ và con gái cũng tham gia dàn cồng chiêng”.

Dàn nhạc cồng, chiêng có một vị trí quan trọng trong sinh hoạt văn hoá và đời sống của người Mường, gần như tất cả các nghi lễ ở đình và cầu mùa, chúc tết, mừng nhà mới, đám cưới, đám tang, lễ hội làng... đều có sự hiện diện của tiếng chiêng.

Coi trọng việc bảo tồn

Phổ biến hình thức diễn tấu cồng, chiêng trong cộng đồng gần gũi với cách diễn tấu nguyên sơ của người xưa, tránh tình trạng “sân khấu hóa”, chính là góp phần lưu giữ hồn thiêng của núi rừng.

Ông Hoàng Trung Hải – Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Cẩm Thủy cho biết:

“Để bảo tồn văn hóa cồng, chiêng trong cộng đồng, cứ 3 năm một lần, huyện Cẩm Thủy lại tổ chức một lễ hội chuyên đề bảo lưu vốn văn hóa cồng, chiêng. Bên cạnh đó, các huyện miền núi của tỉnh có đội cồng, chiêng cũng tích cực tham gia liên hoan văn hóa các dân tộc do UBND tỉnh tổ chức 2 năm một lần, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cồng, chiêng”.

Trong những năm qua, huyện Cẩm Thuỷ đã thành lập 4 câu lạc bộ cồng, chiêng ở các xã Thạch Minh, Đồng Lão, Lương Ngọc và làng Muốt. Tại các kỳ liên hoan văn hoá các dân tộc trong tỉnh và toàn quốc, đội cồng, chiêng của huyện Cẩm Thuỷ đã nhận được nhiều giải thưởng.

Nhưng vẫn còn đó những băn khoăn, bởi những chiếc chiêng quý, có tuổi đời 100-200 năm được lưu giữ tại các gia đình đang dần hư hại. Người Mường ở Cẩm Thủy đang mong mỏi có được một dự án bảo tồn để giúp họ giữ lại vốn quý của cha ông mình.