Mỗi ha gai xanh có thể thu trên 28 triệu đồng
Thanh Hóa là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn và từ lâu nay vẫn có cơ cấu cây trồng, vật nuôi khá “cố thủ”, với câu đùa dân gian khá quen thuộc là khấm khá nhờ “4 chữ L”- luồng, lợn, lúa, lạc”. Tuy đã có những nỗ lực trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng chính quyền và nông dân xứ Thanh vẫn còn nhiều điều trăn trở, bởi nhiều loại cây trồng khác, trong đó có mía đường đang chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao trước những biến động của thị trường trong thời đại hội nhập khá mạnh hiện nay. Việc đưa giống mới vào sản xuất gặp không ít trở lực về tâm lý của người trồng do đã trải qua thăng trầm của nhiệu loại cây trồng trước đây. Song, năm 2016 này, Thanh Hóa đã quyết “vượt ải” bằng việc đưa giống mới có hiệu quả kinh tế cao hơn một số loại cây đã đưa vào trước đó. Đó là việc triển khai trồng mới giống cây gai xanh AP1.
Khảo sát chất lượng cây gai xanh dùng để dệt vải tại Thanh Hóa. Ảnh: P.V.T
Vào đầu năm 2017, Nhà máy sợi dệt của Công ty An Phước tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa sẽ cho xuất xưởng những lô sợi gai xanh đầu tiên, góp phần cho ngành dệt may nước ta chủ động hơn về nguyên liệu và tạo nên các loại vải cao cấp xuất khẩu. |
Vừa qua, tại xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân đã diễn ra cuộc hội thảo “Mô hình trồng giống gai xanh AP1 tại Thanh Hóa” do Viện Di truyền nông nghiệp phối hợp Sở NNPTNT Thanh Hóa và Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước tổ chức. Gần 100 nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và những người trồng giống gai xanh AP1 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tham dự.
Báo cáo khoa học của nhóm nghiên cứu đề tài thuộc Viện Di truyền nông nghiệp nêu rõ: Năm 2012, giống gai xanh AP1 được nhập về Việt Nam. Từ năm 2013 đến năm 2016, giống gai xanh AP1 được chọn lọc, khảo nghiệm tác giả, khảo nghiệm cơ bản, khảo nghiệm sản xuất tại một số huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa. Các kết quả đánh giá trong những năm qua đều cho thấy AP1 là giống có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, thích hợp với điều kiện tự nhiên của Thanh Hóa, đây là giống cho mật độ sợi lớn và sản lượng cao.
Địa điểm khảo nghiệm và sản xuất thử tại các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Thạch Thành, Thường Xuân, Như Xuân, Bá Thước. Kết quả khảo nghiệm cho các số liệu tích cực về năng suất qua các năm 2014 và 2015, với số liệu chênh lệch không đáng kể tại các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân. Điều đáng quan tâm là hiệu quả trồng giống cây gai xanh AP1 vượt trội, thể hiện trên mức lợi nhuận thu được tính bằng đồng trên mỗi ha: Gai xanh đạt 28.765.000 đồng, mía đạt 19.233.000 đồng, ngô đạt 20.180.000 đồng và sắn đạt 17.500.000 đồng.
Liên tục mở rộng diện tích
Từ năm 2016, tỉnh Thanh Hóa đã mở rộng các mô hình sản xuất giống gai xanh AP1 tại một số huyện với diện tích hơn 120ha. Theo Viện Di truyền nông nghiệp, giống được nhập khẩu từ năm 2012, đã ổn định về mặt di truyền và có nhiều đặc tính ưu việt, có năng suất cao, chất lượng xơ tốt đáp ứng được yêu cầu sản xuất gai xanh tại tỉnh Thanh Hóa. Giống AP1 sinh trưởng khỏe, có thời gian sinh trưởng giữa 2 lần thu hoạch 50 – 55 ngày, có thể cho thu hoạch 4- 5 lần/năm, thích hợp với điều kiện đất đai và sinh thái tại Thanh Hóa. Giống này có khả năng đẻ nhánh khỏe, thân thẳng, đốt thân dài, không phân cành, năng suất thực thu đạt 1,4 – 1,7 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng TH2 trồng phổ biến ở địa phương
Nhóm đề tài cũng nêu đề nghị cơ quan quản lý nhà nước ở T.Ư và địa phương, hội đồng khoa học các cấp đánh giá, công nhận giống gai xanh mới AP1 là giống chính thức phục vụ sản xuất. Theo đánh giá, tính phù hợp cuả giống mới này với việc canh tác và sử dụng sản phẩm tại địa phương - nơi có nghề truyền thống làm bánh gai, tạo công ăn việc làm cho nông dân, góp phần kích cầu cho nông dân, phù hợp với nhu cầu tái có cấu ngành nông nghiệp. Đại diện Sở NNPTNT, UBND các huyện, xã và đại diện các hộ đang trồng giống gai xanh đều đánh giá cao kết quả xây dựng mô hình, đồng tình với việc đề nghị đưa giống cây mới này vào diện quy hoạch để tái có cấu ngành nông nghiệp.
Theo các nhà khoa học, ưu việt của giống gai xanh AP1 so với các loại cây trồng khác ở chỗ cây này thuộc loại lưu gốc, có vòng đời 10 năm – trồng 1 lần thu hoạch 10 năm và mỗi năm thu hoạch đến 4-5 lần hoặc hơn nữa. Đồng thời, nhà đầu tư có chính sách ưu đãi đặc biệt với người trồng: bảo đảm giao giống đủ và kịp thời, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trồng và chăm sóc cho đến khi thu hoạch, hỗ trợ kinh phí trong quá trình trồng...