Dân Việt

Mùa hè bươn chải của trẻ nghèo

Nguyễn Hoàng Duy 28/06/2016 06:30 GMT+7
Những ngày này, đến xóm lao động tại hẻm B6, đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh, TP.HCM, người ta dễ nhận ra một điểm mới: Tiếng trẻ con nhốn nháo như chim sổ lồng. Mùa hè, những đứa trẻ này phải xa quê lên TP.HCM mưu sinh cùng ba mẹ.

Mùa hè được nghỉ học, thay vì được nghỉ ngơi bên gia đình, những đứa trẻ của những gia đình nghèo phải xa quê mưu sinh cùng ba mẹ. Hình ảnh này đã thành nếp mỗi khi hè tới nên chủ nhà trọ và hàng xóm xung quanh chẳng ai phàn nàn, dù có ồn ào. Họ quá thấu hiểu và cảm thông đối với những đứa trẻ xa quê.

Xóm của những đứa trẻ xa quê

img

Phút thư giãn hiếm hoi của những đứa trẻ xa quê. Ảnh: H.D 

Vừa bước vào dãy nhà trọ B6/6, tôi đã khựng lại vì một thằng bé đầu tròn vo từ trong ngách nhảy ra nhanh nhẩu mời mọc: “Chú! Mua giùm con vài tờ vé số đi chú! Mở hàng giúp con đi”. Tôi cười, pha trò với nó: “Trưa rồi còn mở hàng gì nữa?”. “Mở hàng lại” - nó lém lỉnh nói thế. Đùa với thằng bé một tí, tôi vội rút ví mua giúp nó vài tờ, còn dư tiền thối tôi tặng luôn cho nó. Hỏi thăm, tôi biết thằng bé tên Quốc Nguyên, 9 tuổi, người Hoa, quê ở Kiên Giang. Cậu vừa học xong lớp 3, nghỉ hè cha mẹ vội rước lên TP. HCM để mưu sinh.

Tôi hỏi Quốc Nguyên: “Lên Sài Gòn cháu có nhớ nhà không?”. Sau từ “không”, thằng bé nhanh tay kéo tôi vào hai dãy nhà trọ. Nơi đây, hầu như nhà nào cũng có con nít như ở quê nhà nên Nguyên chẳng thấy buồn. Nguyên giới thiệu cho tôi những bạn mới quen chừng 10 ngày, nào là: Cẩm Tú, Lâm Hiền, Thạch Mừng… ở cùng dãy trọ.

Chị Mai - mẹ của bé Quốc Nguyên cho biết, vì nhớ con lại muốn mình giảm gánh nặng cơm áo gạo tiền nên nghỉ hè, các bậc cha mẹ ở đây đều rước con lên TP.HCM ở chung. Chỉ có vài trẻ khi nghỉ hè lên đây là đi chơi thực thụ (được du lịch), còn lại đa số phải nấu ăn cho ba mẹ, đi bán vé số dạo, làm đông lạnh (phân loại tôm) hoặc phụ bưng bê hàng ăn... Chẳng những mệt nhoài dưới cái nắng nóng như thiêu như đốt của tháng 6, bọn trẻ còn chịu nhiều áp lực với công việc đang làm.

Cậu bé Lâm Hiền người Khmer, 10 tuổi, ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng nói: “Người làm ở đây giành giựt lắm! Họ làm chưa hết mà cứ giành hàng nhiều rồi để đó. Hôm nào con không làm lẹ là họ lấy hết”.

Hiền được ba mẹ xin cho làm tại một cơ sở gần nhà với mức thu nhập từ 50.000 -80.000 đồng/ngày, tùy theo sản phẩm. Nơi đây không cần hợp đồng lao động, tuổi tác nên bao nhiêu tuổi không là vấn đề. Khi được hỏi nếu được nghỉ ở nhà có vui không, Hiền lộ gương mặt buồn thiu: “Không vui! Con không làm là không có tiền, tội nghiệp ba mẹ lắm!”. Cậu bé chưa hiểu hết nghĩa tiếng Việt nên nghĩ sao nói vậy.

img

Bé Mừng phụ mẹ cắt chỉ gia công quần áo. Ảnh: H.D

Trẻ nào cũng có việc, từ sáng đến tối, chỉ có buổi trưa là chúng tụ họp tại phòng trọ. Những giây phút hiếm hoi ấy, thay vì ngủ nghỉ, bọn trẻ họp lại thành nhóm chơi trò chơi. Chỉ được 15-20 phút nhưng đối với chúng thật hạnh phúc vì được chơi, được kết bạn và được làm điều mình muốn.

Không được ngồi một chỗ như Hiền, Quốc Nguyên phải đi bán vé số suốt ngày. Chỉ cần nhìn sơ qua đôi dép mòn đế, nở to như chiếc phà cũng đủ hiểu cậu bé đi bộ như thế nào. Tuy mới 9 tuổi nhưng cậu đã có “thâm niên” 3 năm hành nghề bán vé số.

Ba mẹ đều bán vé số nên Nguyên quen với việc này ngay từ lúc nhỏ. Mẹ Nguyên nói, hồi trước dẫn Nguyên đi bán chung, khách thấy tội nên thường mua nhiều. Giờ thì cậu bé lớn rồi, có thể tự đi một mình được. Dù vậy, ba mẹ chỉ phát cho Nguyên mỗi ngày 50 tờ vé số đi bán quanh khu vực nhà trọ và chợ Khải Hoàn gần đó vì sợ cướp giật và xe cộ. Với tiền lãi 1.700 đồng/tờ, bán hết 50 tờ, Nguyên kiếm được 85.000 đồng.

Nói thì dễ, có đi theo cậu mới biết gian khổ cỡ nào. Sáng Nguyên được ba mẹ nấu cơm ăn (hoặc ăn cơm nguội hấp lại), sau đó cậu lê đôi dép mòn ra trước chợ mời mọi người mua. Có hôm bán đắt, Nguyên được về nhà sớm. Nhưng có những khi ế, mà lại sắp hết giờ, cậu phải chạy vắt giò lên cổ năn nỉ mọi người mua giúp. “Có bữa nó khóc như mưa nhờ tôi mua giúp vì gần đến giờ xổ số. Thấy tội nên tôi mua hết, chứ chẳng đời nào tôi chơi vé số” - chị Phượng chủ nhà trọ của Nguyên nói.

May mắn hơn hai cậu bé kia, cô bé Cẩm Tú (12 tuổi, người Khmer, quê ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) chỉ việc ở phòng nấu cơm, làm thức ăn và giặt đồ. Tuy vậy, Tú cũng chẳng sung sướng gì với căn phòng trọ ọp ẹp, trần thì lợp tôn nóng như lửa đốt. Ba Tú còn nói cô bé nấu ăn “cừ” hơn cả mẹ.

Bé Thạch Mừng, 10 tuổi, người Khmer, quê ở Trà Cú, Trà Vinh thì được làm việc trong tư thế “quan lớn”, vừa nằm võng đu đưa, vừa cắt chỉ quần áo, miệng thì nghêu ngao ca hát. “Lên đây chật chội, nước thì phèn, thấy tội cho nó quá  Nhưng chị ráng hết tháng 8, đưa nó về nhà chơi cho thoải mái” - mẹ bé Mừng tâm sự.

Những ước mơ thổi bùng mùa hè

Ngoài việc giúp ba mẹ giảm gánh nặng sinh hoạt, bọn trẻ còn có thể trang trải cho việc học sắp tới của mình- mua sách vở, dụng cụ học tập, quần áo và đóng học phí. “Nếu còn dư, con sẽ bỏ ống heo để dành” - Nguyên khoe với mọi người. Chị Mai nói từ hồi còn học mẫu giáo, Nguyên đã thích làm công an. Thấy con có chí hướng giống ông nội, vợ chồng chị Mai ủng hộ hết mình nhưng chị nói làm sao biết trước được tương lai, sợ không đủ tiền lo cho Nguyên…

 Cô bé Cẩm Tú thì ước mơ sau này sẽ là cô giáo dạy tiếng Anh. Chính vì niềm đam mê đó mà Tú cố gắng chăm làm việc nhà để ba mẹ không bận tâm, lo làm thiệt nhiều tiền, có tiền cho Tú học thêm môn tiếng Anh. Chị Hồng - mẹ Tú nói: “Nó mê tiếng Anh từ cấp I. Dù không hiểu người Anh nói gì trên ti-vi nhưng nó vẫn cứ xem say mê”. Quả thật, khi bước vào phòng Tú, có đầy đủ sách tiếng Anh cộng với băng đĩa. Tú vừa kết hợp làm việc nhà vừa bật máy cassette để nghe băng đàm thoại Anh ngữ. Vợ chồng chị Hồng hứa sẽ cho con học thêm tiếng Anh vào đầu tháng 8 (tại TP.HCM) nên ba mẹ bảo gì cô bé cũng nghe lời.

Khi được hỏi cho trẻ kiếm tiền, tiêu tiền còn quá sớm, đặc biệt ở chốn phồn hoa này, liệu trẻ có bị cám dỗ, sa lầy? Tất cả các ông bố bà mẹ đều có chung suy nghĩ và câu trả lời, vì nghèo nên buộc lòng phải cho con mưu sinh nơi xứ người chứ nào ai muốn như thế! Trái với những gương mặt lo toan u ám của các bậc phụ huynh, các bé đều nở nụ cười toe toét, cứ sống cho ngày hôm nay.

Nhìn lũ trẻ hồn nhiên chơi ú tim trong cái nắng gay gắt của buổi trưa hè, tôi tự hỏi: Liệu tất cả những đứa trẻ xa quê này có đi đến cùng của ước mơ hay lại dang dở việc học vì nghèo?