Bị “ném đá”, hot girl từ khóc đến cười
Không trả lời sai trên truyền hình như cô giáo hiệu trưởng, không vô tình “bộc lộ” khả năng nói tiếng Anh dở tệ như hoa hậu Thu Vũ, nhiều hot girl vẫn bị dân mạng “ném đá”, chửi bới đến độ khóc trắng đêm. Chỉ bởi, họ “dám” phẫu thuật thẩm mỹ rồi đăng hình xinh đẹp lên mạng xã hội, “dám” chụp hình và đứng cạnh thần tượng của số đông giới trẻ.
Hot girl "dao kéo" chịu không ít thị phi khi công khai "tu sửa" nhan sắc
Lilly Luta của hiện tại được biết đến là một hot girl xinh đẹp, quyến rũ, sở hữu gương mặt V-line, vòng eo con kiến và đường cong hút mắt. Nhưng ít ai biết, cách đây 1 năm, hot girl Sài thành từng bị xem là một “con búp bê phiên bản lỗi, xấu xí và thiếu cảm xúc".
Năm 2015, công khai thừa nhận nhấn mí, nâng mũi, bơm ngực, “nàng búp bê” Việt vấp phải “làn sóng” chỉ trích của dân mạng. Tất cả những nét đẹp “chuẩn” trên đều bị coi là “hàng giả” có được sau 3 lần “dao kéo”.
“Họ tìm vào trang cá nhân của mình để chửi bới và phán xét. Chưa đủ, họ còn nhắn tin nói mình là “thảm họa của phẫu thuật thẩm mỹ”, là con búp bê bị hư… và rất nhiều lời khiếm nhã nữa. Mọi chuyện kéo dài suốt 7, 8 tháng liền. Gần như hơn nửa năm trời, mình chỉ lủi thủi trong nhà, không dám ra ngoài vì sợ mọi người nói ác ý như những kẻ không quen biết trên mạng xã hội”, Lilly Luta kể lại.
Nhiều tháng liền, hot girl Sài thành chỉ ở trong nhà đọc bình luận ác ý của dân mạng
“Gạch đá” của dân mạng khiến hot girl Sài thành mất đi nhiều lời mời đóng phim. Suốt 2 tháng sau khi công khai “dao kéo”, việc làm chính của cô là ôm điện thoại đọc tin nhắn, bình luận chỉ trích của dân mạng trên Facebook cá nhân. Dẫu đã chuẩn bị sẵn tinh thần “hứng đá” từ khi quyết định “tu sửa” nhan sắc nhưng với Lilly Luta, đây vẫn là cú sốc lớn.
“Thật lòng mà nói, cộng đồng mạng có sức ảnh hưởng quá lớn đối với bất kỳ ai. Thời gian ấy, mình may mắn có gia đình bên cạnh nên mới vực dậy được tinh thần, chăm sóc tốt bản thân để có ngoại hình như hiện tại. Hơn một năm cố gắng, mình nghĩ, cuối cùng đã có thể thuyết phục được mọi người tin tưởng vào mình và thôi “ném đá” rồi”, hot girl Sài thành chia sẻ.
Chiến thắng cuộc thi “Cặp đôi màn ảnh với Sơn Tùng”, được đứng cạnh chụp hình, quay quảng cáo cùng “thần tượng” của số đông giới trẻ nhưng với Võ Ê Vo (sinh viên trường Học viện Âm nhạc Huế) chưa hẳn là may mắn. Việc xuất hiện trên truyền thông với danh xưng “người yêu Sơn Tùng”, “bạn gái Sơn Tùng” khiến cô gái sinh năm 1995 gặp phải nhiều rắc rối không ngờ tới.
Võ Ê Vo - cô gái sợ danh xưng "bạn gái Sơn Tùng"
“Đừng gọi em là “bạn gái Sơn Tùng” kẻo em bị chửi chết”, đó là lời nhắn nhủ của cô nàng tới phóng viên. Suốt một năm qua, kể từ sau lần được sánh vai với nam ca sĩ “đình đám”, Võ Ê Vo không ít lần bị nhận xét là kẻ dựa hơi thần tượng để nổi tiếng.
“Họ nói mình ghê gớm lắm, nhắn tin có, bình luận có, nhiều lúc lướt qua các bài báo cũng đọc được bình luận chỉ trích ở dưới. Họ bảo mình xấu xí, không xứng đáng đứng cạnh Sơn Tùng, càng không có tài cán gì, chỉ dựa Sơn Tùng để nổi tiếng… Toàn những lời ác ý mà thật ra họ đâu biết gì về mình”, nữ sinh trường nhạc chia sẻ.
Cho đến giờ, khi xuất hiện trên bất kỳ bài báo nào với danh xưng “bạn gái Sơn Tùng”, Võ Ê Vo vẫn bị dân mạng chửi. Những ngày đầu, ấm ức không chịu nổi trước lời ác ý, cô nàng khóc nức nở, buồn rầu và sợ hãi mạng xã hội. Nhưng rồi, cô phải học cách không quan tâm đến “thế giới ảo”.
Mọi cố gắng trong đời sống thực của cô nàng đều không được ghi nhận. Ngược lại, cô luôn bị chỉ trích rằng dựa hơi thần tượng để nổi tiếng
“Bây giờ, đọc những bình luận chửi bới mình lại thấy buồn cười vì nó không đúng với mình. Mà một số người kỳ thật, mất công soi xét rồi bới móc người khác làm gì trong khi không hiểu gì về họ”, Võ Ê Vo chia sẻ.
Còn nhiều người trẻ khác chỉ vì bị lộ một bức ảnh chụp lén, “trót” thể hiện sự phá cách trên mạng xã hội… mà phải hứng vô vàn “gạch đá” từ dân mạng.
Kẻ vô dụng luôn thừa thời gian để “ném đá”
Đó là chia sẻ của anh Hoàng Anh Tú (Chánh Văn), người từng có nhiều năm tư vấn kỹ năng sống cho giới trẻ. Anh cho rằng, người giỏi, người hữu dụng dành nhiều thời gian cho công việc hơn là tham gia vào những câu chuyện thị phi.
“Tôi luôn nghĩ, người thích chửi bới, chỉ trích người khác trên mạng xã hội vốn là người yếu thế trong cuộc sống thực. Ở đời sống thực, họ là những người (phần đông) bị đối xử thiếu công bằng nhưng không dám có ý kiến hoặc khi có ý kiến thì bị vùi dập, coi thường. Họ có thể là người bị cái nghèo làm mất đi lòng tự trọng, cam chịu và thỏa hiệp, cũng có thể là những trí thức bất mãn không được thừa nhận. Họ chọn việc ẩn danh, giấu mặt trên mạng xã hội để trút bỏ những bất lực trong chính họ. Chúng ta nên thấy họ đáng thương nhiều hơn khi nhận ra điều này”, anh Chánh Văn chia sẻ.
Với anh Chánh Văn, chỉ kẻ vô dụng mới có thời gian "ném đá"
Khi nhiều người có ý kiến: “Có gan đăng ảnh thì có gan nghe ý kiến trái chiều, việc phán xét là quyền cá nhân” thì anh Chánh Văn lại cho rằng, mỗi người đều có thể chọn cách sống “tàn nhẫn” ấy và họ sẽ phải nhận lại tất cả những lời chỉ trích, chửi bới đã… cho đi.
“Một số người ngày càng hung hăng không chỉ trên mạng mà còn lan ra cả cuộc sống thực. Không chỉ phán xét và chỉ trích trên mạng được xem như chuyện đương nhiên mà nhiều điều bất thường khác cũng bị coi là bình thường rồi. Như chuyện vượt đèn đỏ lúc không có công an, xả rác nơi công cộng. Có câu nói chua chát rằng: “Dân trí thấp là do di truyền”, tôi thấy nó đúng khi nhìn một số bậc cha mẹ hiện nay mà lo lắng cho con cái họ trong tương lai”, anh Chánh Văn cho hay.