Ông nhận định thế nào về tác động của Brexit tới Việt Nam, đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài?
Việt Nam là nền kinh tế mở, hội nhập ngày càng sâu rộng về thương mại, đầu tư, du lịch, và cả dịch chuyển lao động, tài chính… Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam có những mối quan hệ chặt chẽ với các nền kinh tế lớn, các thị trường lớn trên thế giới nên Việt Nam không tránh khỏi tác động của Brexit.
Việt Nam cũng đã chịu những tác động tức thời, rõ nhất là sự sụt giảm chỉ số chứng khoán ngay sau sự kiện Brexit. Tuy nhiên, mức độ tác động tiếp theo phụ thuộc vào cách nhìn nhận và kỳ vọng của thị trường đối với sự kiện này, đối với sự vận động của bản thân nước Anh, cách thức “chia tay” Anh - EU, và phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Tác động đến Việt Nam cũng phụ thuộc vào ứng xử của chính Việt Nam. Chẳng hạn thương mại trước mắt có thể chịu ảnh hưởng bất lợi vì không ít đồng tiền của các đối tác thương mại của Việt Nam xuống giá so với VND. Nhưng cũng cần thấy rằng trong trường hợp này, có một số đồng tiền lại lên giá như Yên Nhật, và điều này cũng tạo ra cơ hội ít nhiều để nâng sức cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam.
Về đầu tư, đầu tư trực tiếp của Anh vào Việt Nam có thể không quá lớn, nhưng đầu tư của các dòng vốn “đi qua nước Anh” vào Việt Nam là không nhỏ. Trước mắt việc thu hút dòng vốn này có thể gặp khó khăn, chững lại. Hay đối với Anh và EU, bản thân họ phải vật lộn với chính khó khăn của họ nên sự lựa chọn của họ có thể trở nên xét nét hơn.
Nhưng bên cạnh đó, các dòng vốn cũng lại đang đi tìm những nơi trú ẩn, đầu tư mới. Nếu Việt Nam thực sự là nền kinh tế với chính sách ngày càng đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tốt lên, các nhà đầu tư có thể sẽ xem xét và quan tâm đến thị trường Việt Nam. Điều này phụ thuộc vào phản ứng chính sách vĩ mô và cải cách của Việt Nam.
Thị trường chứng khoán mấy ngày qua dường như cũng phản ứng quá thái trước sự kiện Brexit. Theo ông, sự kiện Brexit tác động thế nào tới thị trường chứng khoán Việt Nam?
Việt Nam là nền kinh tế mở, nhà đầu tư nước ngoài giữ vai trò không nhỏ trong thị trường chứng khoán nên sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam là không quá khó hiểu.
Đồng thời, sau các phản ứng thái quá, thị trường có xu hướng quay dần lại điểm cân bằng mới, gắn hơn với các vấn đề có tính nền tảng của sự phát triển kinh tế như ổn định kinh tế vĩ mô, cách thức phản ứng chính sách vĩ mô cùng xu hướng cải cách cơ cấu của thế giới và Việt Nam.
Song khi thị trường cảm nhận là phản ứng chính sách vĩ mô kịp thời, thích hợp cùng với những cải cách quyết liệt tạo dựng môi trường kinh doanh, đầu tư minh bạch, thân thiện thì mức phản ứng thái quá không kéo dài và thị trường sẽ nhanh chóng quay lại điểm cân bằng mới.
Do tính bất định cao, nên nhà đầu tư cần nhìn lựa chọn đầu tư của mình gắn với các rủi ro có thể, và cùng với đó là các kịch bản khác nhau, với trọng số khác nhau nếu dữ liệu và những phân tích đủ ở mức độ nhất định. Điều không thể thiếu là sự bình tĩnh xem xét và phán quyết.
Ông có nói đến vấn đề chính sách. Vậy đối với sự kiện Brexit, chính sách của Việt Nam cần phải ứng xử như thế nào cho hợp lý?
Thứ nhất, Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng. Hội nhập, về lý thuyết là “cuộc chơi cùng thắng”. Song cần hiểu đó là trên bình diện quốc gia. Cùng thắng không có nghĩa mọi nhóm xã hội, mọi lĩnh vực đều thắng, nhất là trong ngắn hạn. Có thể một số lĩnh vực, một số nhóm còn chịu tác động tiêu cực từ hội nhập. Nên bên cạnh sự minh bạch, rõ ràng, cần có chính sách hỗ trợ, phù hợp với cam kết đối với cả “người thắng cuộc” và đặc biệt là đối với những người có khả năng thua cuộc, dễ bị tổn thương trong hội nhập...
Thứ hai, lợi ích hội nhập mang lại không tự đến, hội nhập chỉ là điều kiện cần, không phải đủ cho phát triển. Điều tối cần thiết là hội nhập phải gắn với cải cách bên trong. Hai quá trình này tương tác rất chặt chẽ với nhau để tối đa hoá lợi ích và giảm thiểu được những tác động tiêu cực trong tiến trình hội nhập.
Thứ ba, nền kinh tế khi đẩy mạnh hội nhập có thể dễ tổn thướng hơn trước các cú sốc khác nhau. Có hai cú sốc đặc biệt phải lưu ý, đó là cú sốc tài chính và dịch chuyển lao động, do đây không hẳn chỉ là những vấn đề về kinh tế mà còn là vấn đề xã hội, chính trị rất lớn.
Ngoài ra, người ta thường đề cập đến chính sách, biện pháp đảm bảo tăng trưởng hiệu quả, né tránh được khủng hoảng. Song cũng cần học hỏi và tính đến các chính sách cần có trong bối cảnh diễn ra khủng hoảng để giảm thiểu tác động bất lợi. Một ví dụ là cách ứng xử chính sách để có thể giảm phản ứng tiêu cực, thái quá của thị trường, đưa nền kinh tế dần trở lại với quỹ đạo bình thường và có chiều hướng tăng trưởng, lành mạnh hơn.
Chuẩn bị ứng phó với các cú sốc khi đã mở cửa hội nhập sâu sắc là đòi hỏi cấp thiết và Việt Nam có thể học hỏi được không ít bài học quý từ cơn chấn động Brexit.
Xin cám ơn ông!