Những cuộc thảo luận giữa Đức, Ý và Pháp diễn ra chỉ vài giờ trước khi các nguyên thủ quốc gia dự một hội nghị thượng đỉnh quan trọng tại Brussels để đưa ra quyết định về tương lai của Châu Âu sau khi Anh rời khỏi EU.
Thông điệp được các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Ý đưa ra rõ ràng là sẽ không có những cuộc thảo luận chính thức hay không chính thức với Anh cho đến khi nào Anh vận dụng Điều khoản 50-một điều khoản chính thức áp dụng thời gian 2 năm để Anh rời khỏi EU.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh điểm này tại một cuộc họp báo ở Berlin, giáng một đòn mạnh vào hy vọng của một số nhà lãnh đạo ủng hộ việc Anh rời khỏi EU. Bà Merkel nói: “Chừng nào yêu cầu này chưa được đưa lên Liên minh Châu Âu, thì không thể tiến hành biện pháp nào cả.”
Điều này dự kiến sẽ không xảy ra cho đến khi có một Thủ tướng mới thay thế ông David Cameron, có lẽ diễn ra vào tháng 9 năm nay.
Bà Merkel phát biểu sau khi 3 nguyên thủ quốc gia họp để đưa ra một lập trường chung, giữa lúc xáo trộn lan rộng tại nước Anh và lan sang EU và những thị trường tài chính sau khi người Anh trong tuần qua đã bỏ phiếu rời khỏi khối 28 thành viên.
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại cuộc họp báo về Brexit ngày 28.6.
Ba nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Ý cũng phác họa những ưu tiên là an ninh, tăng trưởng và việc làm, giới trẻ và khu vực dồng Euro- mà các nhà lãnh đạo này tin là EU nên chú tâm đến, trước hội nghị thượng đỉnh hai ngày tại Brussels về việc EU vẫn tiếp tục tiến về phía trước dù không có nước Anh.
Ngày 28.6, phát biểu trước lãnh đạo các doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho rằng nước này cần khẩn trương thiết lập một mối quan hệ mới với EU, song không nên bắt đầu giai đoạn kéo dài 2 năm để khởi động các thủ tục chính thức rời EU cho tới khi mô hình quan hệ mới giữa hai bên được hình thành một cách rõ ràng.
Ông Osborne nhấn mạnh rằng Anh không nên kích hoạt Điều 50 Hiệp ước EU cho tới khi quan hệ đó được hình thành một cách rõ ràng. Bộ trưởng Osborne cũng cảnh báo rằng Anh sẽ phải đối mặt với trình trạng tăng thuế và tiếp tục cắt giảm chi tiêu quốc gia sau Brexit.Cùng ngày, Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng ông muốn thiết lập các mối quan hệ "gần gũi nhất có thể" với EU sau Brexit, trong đó gồm cả lĩnh vực thương mại và hợp tác về an ninh, theo Reuters.
Hiện đang có những đồn đoán là dân Anh có thể đảo ngược quyết định Brexit. Trên lý thuyết, một sự đảo ngược có thể xảy ra. Lá phiếu ngày 23.6 chỉ hỏi là Anh nên rời khỏi hay nên ở lại trong EU và cuộc đầu phiếu là một biện pháp có tính chất tư vấn và không có tính chất rang buộc pháp lý. Do đó, chính phủ có thể hành động theo ý kiến cử tri mà cũng có thể không hành động. T
uy nhiên, các nhà phân tích nói rằng có phần chắc là một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về vấn đề này sẽ không diễn ra. Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu đã đạt mức 72%, mức cao nhất trong một cuộc đầu phiếu cấp quốc gia kể từ năm 1992.
Để khởi động tiến trình ra đi và bắt đầu thương thuyết cho cuộc chia tay, chính phủ Anh phải viện tới Điều 50 của Hiệp ước EU. Câu hỏi “Ai sẽ làm chuyện đó và khi nào” vẫn chưa có lời giải đáp trong lúc nước Anh trải qua vụ khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên.
Hiện chưa rõ ai sẽ lên nắm quyền và khởi động tiến trình Brexit sau khi Thủ tướng David Cameron từ chức.