Dân Việt

Cấm xe máy: "Không nên đặt ra bài toán không giải được"

Anh Phương 29/06/2016 07:25 GMT+7
Các chuyên gia về quy hoạch, giao thông đô thị có những ý kiến khác nhau về định hướng dừng hoạt động xe máy cá nhân vào năm 2025 vừa được Thành ủy Hà Nội đưa ra.

img

Hà Nội xem xét việc cấm xe máy hoạt động từ năm 2025

Hạ tầng kém, đừng nghĩ đến dừng hoạt động xe cá nhân

Đó là ý kiến của TS Nguyễn Xuân Thủy – Chuyên gia giao thông đô thị về định hướng của Thành ủy Hà Nội.

TS Thủy cho hay: “Đúng là để giảm ùn tắc thì phải hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Nhưng muốn giảm, muốn cấm phải đủ điều kiện đảm bảo cho người dân. Với điều kiện như hiện nay, tôi chưa thống nhất, đồng tình với chủ trương trên”.

Theo phân tích của TS Thủy, muốn hạn chế phương tiện cá nhân phải có phương tiện giao thông công cộng thay thế. Hiện phương tiện công cộng mới chỉ đáp ứng được 7 – 8% nhu cầu người dân. Các tuyến tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, xe buýt vận chuyển khối lớn đến nay cũng đều chưa được đưa vào khai thác.

TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: “9 năm nữa nói giao thông công cộng của Hà Nội đảm đương được 20% nhu cầu vận chuyển là không có được, theo tôi may ra mới đáp ứng được 15%. Như năm 2000, Hà Nội đã nói rằng đến năm 2008 có tàu điện ngầm nhưng đến giờ đã có đâu. Hà Nội hiện mỗi ngày có gần 12 triệu lượt người đi lại, trong khi xe buýt mới phục vụ được 1 triệu lượt. Thêm 2 tuyến tàu điện nữa cũng chưa ăn thua gì”.

Do đó, cần tính đến nhu cầu đi lại của phần lớn người dân ở thời điểm đó khi hạ tầng giao thông công cộng chưa đáp ứng được.

TS Thủy kết luận: “Khi hạ tầng còn yếu kém thì đừng nghĩ đến việc dừng hoạt động phương tiện giao thông cá nhân, chưa đảm bảo nhu cầu đi lại tối thiểu cho người dân thì chưa nên cấm. Vì vậy, không nên đặt ra bài toán không giải được, tức là mục tiêu 9 năm nữa cấm xe máy theo tôi là không thực hiện được”.

Cần lộ trình thích hợp

Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội lại bày tỏ đồng tình với định hướng dừng hoạt động xe máy cá nhân từ năm 2025.

Ông Liên cho biết: “Tôi mong thực hiện được điều đó, đấy là định hướng đúng. Hiện giờ sống ở Thủ đô mà chịu cảnh ùn tắc hàng ngày, không biết bao giờ có thể thoát được”.

Tuy nhiên, ông Liên cho rằng cần công khai chủ trương, lộ trình thực hiện để người dân có thể góp ý. “Người dân có thể ủng hộ hay phản đối nhưng họ cần được trao đổi, góp ý để có lộ trình thực hiện. Đó là vì quyền lợi của mọi người dân chứ không phải là mệnh lệnh hành chính”.

Còn KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng: “Dù lượng xe máy quá tải so với hệ thống đường sá nhưng nếu cấm phải cân nhắc mọi yếu tố đồng bộ. Đó là, có đủ kinh phí để mở rộng hạ tầng giao thông cho phương tiện công cộng hay không, có cơ chế khuyến khích đầu tư hệ thống vận chuyển khối lớn, có trình độ quản lý để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân hay không?”.

Cụ thể, theo ông Nghiêm phải căn cứ vào cấu trúc phương tiện giao thông chứ không chỉ nhìn riêng vào xe máy. Hà Nội hiện có hơn 7 triệu xe máy, ô tô là hơn 1 triệu nhưng mạng lưới đường giao thông mới đạt được khoảng 10% diện tích tự nhiên. Trong khi đó các đô thị phải đạt 20 – 25% diện tích đất tự nhiên dành cho giao thông.

Ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: “Cần xác định lộ trình thích hợp để đưa ra giải pháp thực hiện, tránh đưa ra những chỉ tiêu mà thiếu giải pháp”.

Lấy ví dụ về các giải pháp, ông Nghiêm đặt ra câu hỏi Hà Nội muốn mở rộng mạng lưới giao thông công cộng liệu có đủ tài chính hay không? Như Hà Nội hiện đã quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị nhưng đều đã lỡ hẹn so với kế hoạch đặt ra. Trong khi đó, nếu đặt ra mục tiêu hạn chế xe máy thì phải tăng tốc độ tăng trưởng đường sắt đô thị.

“Nếu giảm xe máy thì phải tăng phương tiện giao thông công cộng, tổ chức giao thông hợp lý đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân chứ không phải chỉ làm đường ra rồi cấm người ta không được sử dụng xe cá nhân” – KTS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng lãnh đạo TP Hà Nội cần tăng mức đầu tư cho hạ tầng giao thông, tăng cường giao thông công cộng đi kèm với nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về giao thông để khuyến khích người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân chứ không nên áp đặt.

Ngày 27.6 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã cho ý kiến về chương trình “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại giai đoạn 2016 - 2020”. Dự thảo chương trình đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020, tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng: 20 - 25% (trong đó đường sắt đô thị 1 - 3%); … Đồng thời, tăng cường giao thông công cộng, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, định hướng đến 2025 dừng hoạt động các phương tiện xe máy cá nhân.