Được xây vào năm 1782 trên hai bờ sông Chao Praya, Bangkok đang chìm dần xuống biển khi châu thổ của dòng sông này trước đây bằng phẳng và cao hơn mực nước biển 1,5m, nhưng từ nhiều năm nay đã lún xuống và biến thành lòng chảo. Trong vòng 60 năm, nhiều khu phố, như Lad Phrao, Phra Khanong, Bang Na… đã lún đến 1,7m và sẽ tiếp tục lún từ 1,5 đến 5,3cm mỗi năm.
Các dự án địa ốc ngày một nhiều tại Bangkok khiến mực nước ngầm bị khai thác quá mức, gây lún đất là một trong những nguyên nhân dự báo về nạn ngập lụt tương lai của kinh đô Thái Lan. Ảnh: Reuters |
Các chuyên gia bi quan nhất cho rằng nhiều nhân tố như biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao, duyên hải bị sụt lở, nạn đất lún do khai thác nước ngầm quá mức và do xây quá nhiều nhà cao tầng…khiến cho một phần của kinh đô Thái Lan sẽ bị ngập ngay từ năm 2030. Theo ngân hàng Thế giới, một triệu người dân Bangkok sẽ sống ở các khu bị ngập lụt vào năm 2050 và do đó sẽ chịu sự đe doạ của nhiều loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở trong các khu này. Hiện nay, ở cảng Samunt Prakan, cách Bangkok khoảng 15km, nhiều gia đình lắm khi đã phải lội nước trong nhà.
Cho đến nay, chính quyền Thái vẫn chỉ mới lo bảo vệ Bangkok chống lụt lội bằng cách xây một hệ thống đê dọc theo sông và một hệ thống trạm bơm nước, kênh chuyển dòng nước và hồ chứa nước.
Jan Bojo, chuyên gia của ngân hàng Thế giới ở Bangkok, cho rằng một trong những lý do của sự ngập nước của kinh đô này là nạn khai thác nước ngầm quá mức cho dù từ những năm 1990 Thái Lan có hẳn một đạo luật hạn chế việc khai thác tài nguyên thiên nhiên này. Ước tính, mỗi năm có khoảng 2,8 triệu m3 nước ngầm bị khai thác.
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng tình hình sẽ xấu đi trong những năm tới. Smith Dharmasaroja, chủ nhiệm trung tâm Quốc gia dự báo các tai hoạ tự nhiên, dự kiến vào năm 2100 Bangkok sẽ là một “Anlantide” mới (tức sẽ là một đô thị chìm dưới đáy biển như trong thần thoại Hy Lạp)! Dù quá bi quan, các phân tích của nhà khí tượng học này khiến nhiều người quan tâm, vì trước đây ông đã dự báo đợt sóng thần đã tàn phá nhiều nơi ở Ấn Độ Dương vào tháng 12.2004.
Theo ông, “nếu không làm gì cả, thì Bangkok có thể bị ngập nước ngay từ năm 2030”. Phê phán chính quyền Thái Lan chưa lấy quyết định nào cả nhằm đề phòng tai hoạ này, ông chủ trương xây một loạt các tuyến đê dọc theo vịnh Thái Lan để ngăn nước biển. Ước tính, dự án này sẽ tốn khoảng 2 tỉ USD.
Anond Snidvongs, một nhà hải dương học chuyên gia về tác động của biến đổi khí hậu ở vùng ông Đông Nam Á, tỏ ra thận trọng hơn trong các dự đoán. Theo ông, “không ai có thể nói trước bao lâu nữa Bangkok sẽ bị ngập nước và tiến trình đó sẽ như thế nào” và không cần xây dựng tuyến đê dọc theo vịnh Thái Lan vì sự dâng cao của mực nước biển không quan trọng đến như thế và sự biến đổi khí hậu chỉ đóng một vai trò tương đối thứ yếu (chỉ khoảng 20%). Trái lại, ông cho rằng có nhiều phương tiện khác nhằm chống lại nạn ngập nước, chẳng hạn như quản lý tốt hơn các khu đất dành cho xây dựng ở đô thị.
Theo bà Niramon Kulsrisombat, dạy về quy hoạch đô thị ở trường đại học nổi tiếng Chulalongkorn, “nạn ngập lụt luôn là một hiện tượng tự nhiên, bởi vì Bangkok được xây trên một vùng sình lầy chỉ cao hơn mực nước biển 1,5m. Trước đây rất nhiều con kênh (khlong), vườn rau, đồng ruộng đã tiêu một lượng nước khá lớn, nhưng chúng đã biến đi, nhường chỗ cho các dự án địa ốc.
Anond Snidvongs đề nghị các chuyên gia cần phải thảo luận và thống nhất với nhau về các số liệu và các dự báo (cho thực chính xác) để có thể chuẩn bị tốt hơn cho việc cứu Bangkok khỏi nạn ngập nước chắc sẽ xảy ra trong một tương lai không quá xa!