Dân Việt

Nhà ngoại giao Mỹ: Trung Quốc đang hành động điên rồ ở Biển Đông

Phương Đăng (tổng hợp) 30/06/2016 14:59 GMT+7
Ngay sau khi tòa án quốc tế tuyên bố sẽ ra phán quyết về vụ kiện Đường Lưỡi bò giữa Philippines và Trung Quốc vào ngày 12.7, Bắc Kinh lập tức phản ứng, giận dữ bác bỏ thẩm quyền của tòa. Trong khi đó, Mỹ tái khẳng định lập trường ủng hộ tòa án quốc tế. Cố vấn Ngoại trưởng Mỹ Thomas Shannon thậm chí nhấn mạnh, những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông là điên rồ.

"Những gì Trung Quốc đang làm ở khu vực Biển Đông là điên rồ. Xây đường băng rồi tiến hành bay thử máy bay ở đó. Tất cả mọi việc họ làm đều có mục tiêu, với sự liên quan của lực lượng Hải quân Trung Quốc. Quan điểm của chúng tôi là Trung Quốc đang có mưu đồ bành trướng sức mạnh Hải quân để kiểm soát các tuyến đường biển tự do. Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp", ông Thomas Shannon tuyên bố khi đang ở thăm Ấn Độ 4 ngày để thảo luận về "trật tự toàn cầu dựa trên các quy tắc, pháp luật" trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong các yêu sách lãnh thổ của nước này ở Biển Đông và đẩy mạnh quân sự hóa khu vực.

img

Cố vấn Ngoại trưởng Mỹ Thomas Shannon

Tuyên bố của ông Thomas Shannon được đưa ra trong bối cảnh Tòa án trọng tài quốc tế vừa tuyên bố sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện Đường Lưỡi bò giữa Philippines và Trung Quốc vào ngày 12.7.

Trong một tuyên bố đáp trả ngay sau đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: "Một lần nữa, tôi nhấn mạnh rằng, Tòa án trọng tài quốc tế không có thẩm quyền để đưa ra phán quyết cho vụ kiện cũng như các vấn đề có liên quan. Họ không nên xét xử hoặc ra phán quyết. Việc Philippines đơn phương khiếu nại ra Tòa án trọng tài quốc tế về vấn đề Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế".

img

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.

Ông Hồng Lỗi cũng khẳng định, trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ và phân định hàng hải, Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ phán quyết nào từ một bên thứ ba và không có bất cứ phán quyết nào có hiệu lực buộc Bắc Kinh phải tuân thủ.   

Bình luận về vấn đề này, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Anna Richey-Allen tuyên bố, Washington ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm việc dựa vào các cơ chế pháp lý quốc tế như Tòa án trọng tài quốc tế.

Về phần mình, Philippines nhấn mạnh, nước này "mong chờ một phán quyết công bằng có thể thúc đẩy hòa bình và sự ổn định trong khu vực".  

Giới luật gia ủng hộ Philippines cũng cảnh báo, Trung Quốc sẽ bị xem là "kẻ đứng ngoài vòng pháp luật" nếu nhất quyết không chịu tuân thủ phán quyết của tòa án.  

Ông Paul Reichler, người đứng đầu nhóm pháp lý của Manila trong vụ kiện "Đường Lưỡi bò" suốt 3 năm rưỡi qua nhấn mạnh, ông tin rằng Philippines sẽ giành chiến thắng trong vụ kiện vốn nhận được sự đồng thuận của Mỹ cũng như nhiều nước lớn trên thế giới.

img

Hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động cải tạo, bồi đắp đất trái phép ở Biển Đông, làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Theo ông Reichler, phán quyết vào tháng tới của Tòa án Trọng tài quốc tế ​​sẽ tước đi Trung Quốc bất kỳ cơ sở pháp lý nào cho tuyên bố phi lý về cái được Bắc Kinh gọi là "chủ quyền không thể chối cãi" của nước này đối với hầu hết Biển Đông.

"Chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ chiến thằng (vụ kiện) trên cơ sở công lý", ông Reichler nhấn mạnh.

Vị luật sư trưởng của Philippines cũng tin rằng, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực phải tuân theo phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế. 

"Có thể dần theo thời gian... Trung Quốc sẽ nhận ra rằng họ sẽ mất mát nhiều hơn so với những gì có thể để đạt được từ việc tạo ra một tình huống vô luật lệ, hỗn loạn", ông nói.

Trung Quốc đã ngang ngược đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines…

Manila cho rằng tuyên bố phi lý của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và hạn chế quyền của Philippines trong việc khai thác các nguồn tài nguyên và các ngư trường đánh bắt cá trong khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines.