Dân Việt

Chuyện “ông vua đẻ”: Thiếu đất cho “đội quân” hơn 20 người

Phàn Giào Họ 05/07/2016 00:00 GMT+7
Nhìn từ ngoài vào, nhiều người đồn đoán gia đình Ve hạnh phúc, nhưng thực tế lại phức tạp và rất khó quản lý.

Tìm nơi thoát nghèo

Tôi trở lại Cao Bằng lần thứ hai thăm lại gia đình ông Trương Văn Ve, ở thôn Tả Bốc, xã Lương Thông (huyện Thông Nông, Cao Bằng), nhưng lần này nghe đâu Ve không còn ở nhà nữa. Hỏi về tung tích của Ve, anh Hoàng Văn Mùi, công an viên thôn Tả Bốc cho biết, Ve đã tạm rời khỏi địa phương cách đây vài ngày.

img

Anh Hoàng Văn Mùi, công an Viên thôn Tả Bốc.

Theo anh Mùi, ở thôn này Ve là gia đình đẻ nhiều con nhất và cũng nghèo nhất. Cũng chính vì đông người quá nên nhà Ve không đủ đất canh tác, vừa qua nghe đâu ở Đắk Lắk có anh em dưới đó cần bán đất gấp để trả nợ.

Ve nghe phong thanh rồi bán luôn mấy mảnh ngô ở nhà khăn gói cùng vợ hai về Tây Nguyên xem thực hư sự thể thế nào, nếu làm ăn được có thể sau này Ve sẽ rời đi. Về việc này, phía công an trước đó cũng đã ra sức vận động ông không di dân một cách tự do, nhưng vì Ve đi không khai báo nên sau khi Ve rời khỏi địa phương anh Mùi mới biết tin.

Bà Hoàng Thị Dí (SN1966, vợ cả Ve) cho biết, người ta nhìn bề ngoài có vẻ gia đình bà bình yên. Nhưng thực tế bên trong lại rất phức tạp, đặc biệt là chuyện đất đai chia chác rất rành rẽ.

Theo bà Dí, cách đây vài năm, khi gia đình lục đục chuyện sở hữu đất đai, ông Ve đã thẳng thắn tuyên bố sẽ chia lại tất cả. Theo đó, ông mời những già làng ở Tả Bốc chứng kiến việc ông chia đất cho từng người.

Những người mẹ gồng mình nuôi con

Về phần đất của mình, Ve nhận mình sẽ cai quản khu nương rẫy trên núi cùng cái lán dựng sẵn bằng mái lá. Còn vợ cả, vợ hai thì mỗi người sở hữu một miếng đất dưới thung lũng Tả Bốc. Chuyện phân chia đất đai cho con cái của vợ cả thì sau này vợ cả chia, đất của vợ hai thì vợ hai tự chia cho con mình.

Phần của Ve, gã bảo rằng gã chỉ chia cho đứa con nào chịu ngoan ngoãn nghe lời mình và nuôi Ve khi ông đã bước sang tuổi “dốc nắng”.

Bà Thào Thị Dé (70 tuổi), hàng xóm gần nhà Ve tâm sự: “Mặc dù đẻ 5-6 người con thôi, tôi đã cảm giác khổ lắm rồi. Nhìn hai người vợ của Ve tôi chỉ thấy ngán ngẩm vì họ quá vất vả, mà lỗi âu cũng là do bản thân họ mà ra thôi”.

Thời điểm trên lưng còn bồng con, cái bụng đã ưỡn ra vì chuẩn bị sinh, Dợ và Dí vẫn phải lên nương chỉa bắp hoặc đi rẫy cỏ thuê. Cốt cũng là để kiếm tiền, kiếm mèn mén lo cho những đứa con nhỏ dại được ăn, được đi học.

img

Mặc dù bà Dí đã quá ngưỡng ngũ tuần, nhưng vẫn còn những đứa con còn rất nhỏ.Mặc dù bà Dí đã quá ngưỡng ngũ tuần, nhưng vẫn còn những đứa con còn rất nhỏ.

Bà Dé bảo, thực tế do trình độ dân trí thấp, nên phần lớn những gia đình ở Tả Bốc đều sinh nhiều con. Do đó mà kinh tế ở thôn này không mấy người khá khẩm, không thể đem sánh với những nơi khác. Lại thêm lí do mỗi khi các con cái bệnh tật, họ đem câu chuyện mê tín ra nói là do ma, quỷ gây ra nên càng tốn kém.

Ví như gia đình nhà Ve năm kia cũng mất hẳn con lợn 80kg để cúng giải hạn cho đứa con trai thứ 6 vì bỗng dưng lăn ra ốm, sốt bất thường. Sau khi làm lễ “âm” bệnh chẳng những không khỏi lại còn nặng thêm, nhưng đi bệnh viện các bác sĩ cho uống thuốc là lại có thể... cười.

Trao đổi về chuyện của gia đình Ve, ông Trương Văn San, trưởng thôn Tả Bốc than thở: “Không chỉ Ve, mà ở đây có đến gần 20 gia đình sinh con thứ 3 trở lên. Mặc dù chính quyền thôn cũng đã ra sức vận động nhưng vẫn không thể đẩy lùi được tình trạng này”.

Đặc biệt, ở Tả Bốc có 30 hộ thì có đến 100% thuộc diện hộ nghèo, chưa có gia đình nào nằm trong danh sách thoát nghèo. Riêng gia đình Ve là gia đình đặc biệt nhất ở thôn vùng cao này, âu cũng là vì đẻ nhiều mà ra. Trước khi chia tay bản làng vùng cao, ông San không quên nói điều ấp ủ của mình, rằng ông mong bài học của gia đình Ve sẽ phần nào thức tỉnh những đôi vợ chồng còn có ý định đẻ nhiều.