Hiệu quả kinh tế tăng 25-30%
Tại xã Thủy Tân (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế), TTKNQG vừa tổ chức hội nghị tham quan đầu bờ và sơ kết 2 năm thực hiện Dự án Xây dựng và phát triển mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ hạt giống xác nhận 1 của một số giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao tại các tỉnh miền Trung.
Đại biểu dự hội nghị tham quan mô hình cánh đồng lúa giống thuộc dự án tại Hợp tác xã
Nông nghiệp Thủy Tân. Ảnh: An Sơn
Đây cũng là cơ sở để các địa phương tăng cường sản xuất giống tại chỗ, góp phần hạ giá thành sản phẩm hạt giống, tạo điều kiện để người sản xuất có thể tiếp cận được với hạt giống tốt. Với những kết quả đạt được, mô hình đang được các cấp ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ để nhân rộng”. TS Phan Huy Thông |
Các đại biểu đã tham quan mô hình cánh đồng lúa giống thuộc dự án tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thủy Tân có diện tích 25ha với sự tham gia của 34 hộ dân. Những hộ dân này được dự án hỗ trợ 100% lúa giống, 30% chi phí vật tư nông nghiệp và được doanh nghiệp bao tiêu 100% sản phẩm. Kết quả sau 2 năm triển khai cho thấy mô hình sản xuất lúa giống này giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế từ 27-30%, tương đương từ 9-10 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà.
Đây là dự án do TTKNQG chủ trì và được triển khai tại 6 tỉnh, thành vùng Duyên hải miền Trung, gồm Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Mục tiêu của dự án là nhằm xây dựng và phát triển mô hình liên kết giữa các nhóm nông dân trong nông hộ, nhóm nông hộ với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ hạt giống xác nhận 1 của một số giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao nhằm nâng diện tích sử dụng hạt giống xác nhận trong sản xuất đại trà; nâng cao kỹ năng sản xuất hạt giống, nhận thức về sử dụng giống lúa xác nhận.
Theo báo cáo của TTKNQG, qua 2 năm thực hiện, dự án đã triển khai được gần 600ha giống lúa xác nhận 1 và xây dựng nhiều mô hình, các lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất cho người nông dân và vai trò của các HTX. Dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra gồm: Tăng năng suất, sản lượng giống và tăng hiệu quả kinh tế từ 25-30% so với sản xuất đại trà.
Trong vụ đông xuân 2015-2016, có 6 đơn vị tham gia sản xuất giống xác nhận 1 tại 6 tỉnh miền Trung với quy mô 230ha, gồm các giống thiên ưu 8, HT1, BT7, OM4900, VN 121, BC15, TBR 225, ML48, ĐV 108. Với giá thu mua 1kg hạt giống xác nhận bằng 1,25-1,3kg thóc thương phẩm cùng loại tại thời điểm thu mua đã góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất giống từ 25-30%. Tổng sản lượng giống vụ đông xuân 2015-2016 đã được các đơn vị thu mua là 1.271,7 tấn, quy đổi theo tỷ lệ sẽ có sản lượng thóc tăng thêm từ 318-382 tấn. Nếu giá thóc thương phẩm bình quân chung đạt 6.500 đồng/kg thì toàn dự án đã đem lại thu nhập tăng thêm cho người sản xuất giống từ 2-2,4 tỷ đồng, tương đương tăng thêm từ 9-15 triệu đồng/ha.
Nhân rộng mô hình
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đánh giá cao những hiệu quả thiết thực của dự án đối với cộng đồng. Với 1.470 tấn hạt giống xác nhận 1 sản xuất trong vụ đông xuân 2015-2016 đã cung cấp đủ giống cho khoảng 14.000ha sản xuất lúa của các địa phương. Điều này giúp các địa phương chủ động về lượng giống tốt cho sản xuất đại trà, tăng tỷ lệ diện tích được sử dụng giống xác nhận 1, góp phần tăng năng suất và chất lượng thóc thương phẩm. Qua đây cũng góp phần nâng cao nhận thức của người dân về về sử dụng giống cho phẩm cấp trong sản xuất đại trà.
Ngoài ra, đây là những giống lúa cho chất lượng gạo khá nên thường có giá bán thóc thương phẩm cao hơn từ 300-500 đồng/kg so với các loại thóc chất lượng gạo kém hơn khác. Như vậy, nếu 14.000ha lúa nói trên có năng suất trung bình 5,8 tấn/ha sẽ có tổng sản lượng thóc thu được là 81.000 tấn. Với giá bán tăng thêm như trên thì dự án đã góp phần tăng thêm thu nhập cho người trồng lúa từ 24-40 tỷ đồng.
TS Phan Huy Thông - Giám đốc TTKNQG cho biết: Dự án đã góp phần đưa nhanh các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao vào sản xuất tại các tỉnh miền Trung, nhằm né tránh thiên tai khắc nghiệt của khu vực này, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, ổn định diện tích sản xuất lúa đang ngày càng thu hẹp do sản xuất kém hiệu quả. Thông qua mô hình từng bước nâng cao kỹ năng sản xuất giống cho các HTX, cá nhân, tiến tới hình thành các HTX chuyên sản xuất giống, phục vụ cho nhu cầu của địa phương và xã hội. Dự án cũng giúp xây dựng các mô hình liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra những vùng sản xuất lúa tập trung, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo.