Sáng 30.6, lễ truy điệu 9 quân nhân hi sinh trên chiếc máy bay CASA 212 của lữ đoàn không quân 918 diễn ra trong cơn mưa tầm tã trút xuống Hà Nội từ sáng sớm. Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng chật kín áo xanh và những vành khăn tang trắng.
Có đứng cạnh thân nhân của 9 gia đình mới thấy, họ không còn hơi sức đâu để khóc gào gọi tên con, chồng, cha của mình nữa. Chỉ còn những tiếng nấc nghẹn ngào, những đôi môi mím chặt, những bờ vai run lên khi nghe loa phóng thanh đọc tên những đoàn đến viếng, chia buồn. Sự tiếc thương người thân của họ không thể diễn tả được bằng lời hay bất cứ hình ảnh nào cho hết được. Những nỗi đau đã hóa thành một cõi lặng yên.
9 gia đình gồm cha mẹ già, những người vợ và những đứa trẻ mặc đồ tang đen, xếp một hàng ngang dài, từ linh cữu ra đến cửa nhà tang lễ, họ tạo thành một vòng tang bất tử. Nhưng tất cả không ai gục ngã, không ai ngất xỉu, họ tựa vào nhau, cùng nắm chặt tay, để vượt qua nỗi đau của bản thân, của gia đình và cả nỗi đau của một dân tộc luôn biết bảo vệ Tổ quốc mình bằng mọi giá.
Cho tôi xin được nghiêng mình trước sự hi sinh của những người con ưu tú. Tất cả những ai có mặt ở nhà tang lễ sáng 30.6 hay đọc tin tức về lễ tang qua báo chí, đều muốn nghiêng mình gánh vác chia sẻ nỗi đau sự mất mát này. Xin nghiêng mình trước những người cha người mẹ, người vợ và những đứa trẻ đã hiến dâng người thân yêu nhất của mình cho Tổ quốc.
Cảm xúc nghẹn ngào khi tiễn đưa các liệt sĩ trên chiếc máy bay CASA 212. ảnh: Đàm Duy
Đi suốt chiều dài lịch sử của quá trình dựng nước và giữ nước, nhân dân ta chưa bao giờ có một giây phút nào chần chừ khi gửi con cái mình cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng và cao cả. 9 liệt sĩ hôm nay, họ đến từ những miền quê khác nhau, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thái Bình... Đã có 9 người mẹ, 9 người cha mất đi núm ruột của mình, nhưng tôi tin, các bậc cha mẹ ấy sẽ ngẩng cao đầu, vì người con thân yêu của họ đã ra đi khi ở bên đồng đội, khi làm nhiệm vụ vì sự bình yên của Tổ quốc.
Nước ta có hơn một triệu liệt sỹ và cho dù hòa bình đã lập lại được hơn 40 năm, nhưng những người làm công tác chính sách thương binh liệt sỹ, chưa bao giờ được ngừng nghỉ. Chẳng ai muốn trên tường nhà mình lại treo một tấm bằng Tổ Quốc Ghi Công, đó là điều chẳng đặng đừng. Và quan trọng hơn, tấm bằng ấy nhắc nhở chúng ta rằng, đừng bao giờ vô tình hay cố ý thờ ơ, quay lưng lại với xương máu của biết bao nhiêu người đã đổ xuống để đổi lấy một cuộc sống tốt đẹp và bình yên như ngày hôm nay.
Trong lần về chia buồn với gia đình phi công Đại tá Trần Quang Khải ở Lạng Giang Bắc Giang, người lái máy bay chiến đấu Su 30MK đã hi sinh đầu tiên trong tai nạn máy bay kép này, bố anh Khải, cụ Trần Văn Phùng, năm nay đã 90 tuổi nói với chúng tôi: “Con tôi đã hi sinh, đây là sự mất mát vô cùng to lớn của gia đình, một người cha mất con, con dâu tôi mất chồng, cháu nội tôi mất bố. Nhưng tôi chưa bao giờ hối tiếc vì đã cho con tôi theo binh nghiệp, chưa bao giờ hối tiếc đã gửi con mình cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”.
Trên mạng xã hội, hàng triệu lời bày tỏ lòng xót thương khâm phục trước sự ra đi của 10 quân nhân ưu tú trong 2 vụ tai nạn máy bay này. Và để sự ra đi của 10 chiến sỹ không quân khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc không bị vô nghĩa thì thêm một lần nữa, chúng ta cần xích lại gần nhau hơn, cần sẻ chia và cảm thông hơn. Mong rằng từ đây sẽ bớt đi những lối sống ích kỷ trong cộng đồng, bớt đi những cán bộ thoái hóa biến chất làm suy giảm niềm tin của người dân vào chính quyền.
Bởi như mọi quy luật của cuộc sống, khi chính quyền đáp ứng được những kỳ vọng và mong mỏi của nhân dân thì họ luôn sẵn sàng tin tưởng gửi con em mình lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chấp nhận cả sự hi sinh, mất mát.
Những liệt sĩ hôm nay ra đi, linh hồn họ đã mãi mãi hóa vào trời xanh bất tử, nhưng tôi tin rằng họ sẽ luôn hiện diện ở đây, giữa chúng ta, vẫn che chở yêu thương gia đình. Họ vẫn luôn là những người lính và giờ đây, họ là những anh linh chứng giám và nâng niu điều tốt lành, trừng trị những thứ xấu xa, hèn hạ trong đời sống.