Hai năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Công, thôn 1, xã Quỳnh Liên trồng mướp đắng trên diện tích 1 sào. Đây là giống cây trồng thích hợp với loại đất cát tơi xốp, thoáng khí và đủ độ ẩm của địa phương nên phát triển tốt. Tuy nhiên, cây trồng này thường bị sâu bệnh, dễ héo dây và thối rễ.
Để mướp đắng phát triển tốt, ông Công chú trọng thực hiện áp dụng đúng kỹ thuật từ khâu ngâm hạt giống, giâm vào bầu tro cho tới việc xới đất, đánh luống, đặt dây, ngắt ngọn và bón phân sao cho đúng quy cách... Ngoài sử dụng phân hữu cơ sinh học kết hợp phân chuồng để bón lót, khi mướp ra 4-5 lá, tiến hành bón thúc bằng phân đạm, lân và kali. Giàn mướp được làm cao trên 1,5m tạo không gian thoáng đãng để cây có thể hấp thu ánh mặt trời.
HIện nay nông dân Quỳnh Liên đang vào vụ thu hoạch mướp đắng trái vụ
Cây mướp đắng được trồng quanh năm theo hình thức gối vụ; mỗi năm có thể trồng hai vụ chính vụ (bắt đầu xuống giống từ tháng 9) và trái vụ xuống giống từ tháng 3 âm lịch. Thời gian sinh trưởng của cây mướp đắng chỉ trong thời gian 2-3 tháng, thời gian thu hoạch kéo dài nửa năm. Nhờ ứng dụng các biện pháp chăm sóc nên vườn mướp đắng của gia đình ông phát triển rất xanh tốt. Năng suất mướp đắng đạt 2 tấn/ sào, giá bán 10.000/1kg -12.000/1kg; thu nhập đạt trên 20 triệu/1 sào.
Giống mướp đắng trái vụ có khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết nắng nóng và thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 60 ngày đã có thể cho thu hoạch; năng suất đạt 2 tấn/ha
Thời điểm này, nông dân Quỳnh Liên đang thu hoạch mướp đắng trái vụ. Cây mướp đắng khoảng 60 ngày đã có thể cho thu hoạch. Gia đình anh Đậu Văn Thực, thôn 9, xã Quỳnh Liên trồng 6 sào mướp đắng trái vụ. Nhờ nguồn nước đảm bảo và chăm sóc đúng hướng dẫn kỹ thuật nên năng suất vụ trái tương đương vụ chính (đạt 2 tấn/ sào). Mướp vụ trái rất dễ bán, được thương lái đến tận ruộng thu mua. Ước tính, vụ mướp năm nay gia đình anh Thực thu về được 120 triệu đồng.
Mướp đắng Quỳnh Liên được giá, thương lái thu mua tận vườn
Hiện nay ở xã Quỳnh Liên, TX.Hoàng Mai có gần 20 ha trồng mướp đắng. Trong các loại rau màu, mướp đắng là cây trồng có giá trị kinh tế cao nên được nông dân Quỳnh Liên trồng gối vụ.Trên 1 sào đất, người dân có thể trồng đậu cove trước, khi đậu bắt đầu leo giàn sẽ tiến hành trồng mướp đắng. Thu hoạch xong đậu cũng là lúc mướp đắng bắt đầu bò lên giàn.
Ở những diện tích khác, những cây rau màu ngắn ngày như cải ngọt, hành lá thu hoạch xong người dân lại tiếp tục xuống giống mướp đắng. Các diện tích sẽ được trồng luân phiên quanh năm, nhờ vậy tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.
Là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nông dân Quỳnh Liên, TX.Hoàng Mai ngày càng mở rộng diện tích trồng mướp đắng. Hiện cả xã có gần 20 ha trồng mướp đắng
Ông Hồ Ngọc Tăng- Chủ tịch xã Quỳnh Liên cho biết: Để mô hình trồng mướp đắng trồng gối vụ trở thành thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương, xã Quỳnh Liên đã phối hợp với Trạm Khuyến nông Thị xã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng mướp đắng cho bà con. Trong thời gian tới, xã sẽ quy hoạch để phát triển loại cây trồng này thay thế một số cây trồng kém hiệu quả.