Việc TP. Huế (Thừa Thiên - Huế) được Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) trao danh hiệu “Thành phố xanh quốc gia” khiến người dân Huế và những người yêu Huế kỳ vọng sẽ tạo ra một cú hích để đưa Huế trở thành một thành phố đáng sống.
Thành phố xanh
Đường Đoàn Thị Điểm, TP. Huế rợp bóng cây xanh. Ảnh: NHẬT DƯƠNG
Nếu chỉ là thành phố xanh không thôi thì Huế sẽ mãi còn nghèo. Huế phải là thành phố đáng sống mới thịnh vượng bằng ngành du lịch. Nhưng để đạt được điều đó, Huế còn có quá nhiều việc phải làm”. Ông Vĩnh - một cán bộ hưu trí (TP.Huế) |
Tôi có người bạn thời phổ thông là kỹ sư giỏi của một doanh nghiệp nước ngoài ở TP.HCM, thu nhập mỗi tháng 40 triệu đồng. Mùa hè năm trước, sau 2 ngày đưa vợ con đến Huế du lịch, bạn tôi bất ngờ tuyên bố sẽ chuyển gia đình ra Huế sinh sống. Tưởng bạn chỉ nói đùa, ai ngờ 3 tháng sau, anh bạn chuyển gia đình ra Huế thật.
Một kỹ sư giỏi có thu nhập cao ở một đô thị năng động bậc nhất lại chuyển về sống ở thành phố có nhịp sống trầm như Huế chắc phải vì lý do gì đặc biệt. Những người hàng xóm mới của bạn tôi nói nhỏ với nhau như vậy tại bữa cơm mừng tân gia mà gia đình bạn mời. Như biết người ta đang nghĩ mình “man man”, bạn tôi chia sẻ: “Vợ chồng tôi đã đi nhiều nơi trong nước, nhưng chưa thấy nơi nào có môi trường sống tốt như ở Huế. Về đây thu nhập thấp hơn rất nhiều, chúng tôi còn được tận hưởng một môi trường sống thật sự trong lành”.
Gần 15 năm sống ở Huế, tôi đã tường tận mọi ngõ ngách của thành phố này. Có lẽ vì Huế đã quá thân thuộc với tôi nên tôi không để ý điều mà bạn tôi nghĩ. Ngày 28.6 vừa qua, khi Huế được WWF chứng nhận là thành phố xanh đầu tiên của Việt Nam và đứng trong top 17 thành phố xanh quốc gia trên thế giới, tôi mới… giật mình. Chạy xe một vòng qua những tuyến phố sạch sẽ, rợp bóng cây xanh, ngắm những dòng sông, hồ nước trong veo… tôi mới thật sự hiểu vì sao Huế có tên trong danh sách những thành phố xanh quốc gia trên thế giới.
Thực ra từ lâu Huế đã sẵn có những yếu tố cần thiết để trở thành một thành phố xanh quốc gia: Mật độ cây xanh bao phủ lớn; diện tích ao hồ, sông suối tự nhiên nhiều; không khí trong lành; hầu hết nước mưa và các chất thải được thu gom, xử lý tốt… Du khách thích đến Huế không chỉ bởi sức hút từ lăng tẩm đền đài cổ kính mà còn bởi sự quyến rũ của không gian xanh ít nơi nào có được. Điều đó đủ giải thích vì sao trước khi trở thành thành phố xanh quốc gia, Huế từng “ẵm” một danh hiệu khác là “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”.
Để Huế xanh bền vững
Nói Huế từ lâu đã có sẵn những yếu tố cần thiết để trở thành một thành phố xanh quốc gia không có nghĩa là thành phố này không còn tồn tại những vấn đề bức xúc về môi trường. Trong một quán cà phê nằm gần Nhà máy Xi măng Long Thọ (phường Thủy Biều) vào lúc chiều muộn, ông Lê Tuấn - người sống cạnh nhà máy này - nói như trút giận về phía tôi: “Nếu người của WWF đến khu vực này vài giờ đồng hồ, có lẽ họ đã không trao danh hiệu “Thành phố xanh quốc gia” cho Huế rồi”. Không đợi tôi hỏi lý do, ông Tuấn tiếp tục gay gắt: “Hàng chục năm nay, gia đình tôi và hơn 300 hộ khác nơi đây luôn phải sống khổ sở vì khói bụi kinh khủng của nhà máy xi măng. Cách đây gần 10 năm, chúng tôi đã nghe thông tin tỉnh có chủ trương di dời nhà máy, nhưng đến nay chủ trương này vẫn chưa được thực hiện”.
Hai bờ sông Hương (thành phố Huế) nhìn từ trên cao. Ảnh: An Sơn
Ngoài nhà máy xi măng Long Thọ, hiện ở TP.Huế đang tồn tại nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khác. Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND TP.Huế cho biết, với danh hiệu “Thành phố xanh quốc gia”, lãnh đạo thành phố đã cam kết sớm di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi thành phố để tạo môi trường sống trong lành cho người dân và du khách. Cùng với Nhà máy Xi măng Long Thọ, những cơ sở gây ô nhiễm khác như các cơ sở giết mổ gia súc, xưởng cưa, xưởng hàn, vật liệu phế thải… sẽ được di dời, đồng thời sẽ không cấp phép mới đối với những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm.
Ông Thành cho biết thêm, không chỉ di dời các cơ sở gây ô nhiễm, lãnh đạo thành phố cam kết tăng cường xanh hóa đô thị bằng việc tăng diện tích cây xanh bao phủ. Hiện mặc dù tỷ lệ cây xanh trên đầu người ở Huế thuộc vào top cao nhất Việt Nam nhưng chính quyền thành phố phấn đấu sẽ nâng từ 12m2 xanh/người hiện nay lên 15m2 xanh/người trong vài năm tới. Ngoài ra, thành phố cũng ưu tiên bảo vệ các ao hồ, sông suối tự nhiên.
Về vấn đề xử lý chất thải, ông Thành cho biết, thành phố đang triển khai dự án Cải thiện môi trường nước TP.Huế bằng nguồn vốn vay ODA với tổng kinh phí 3.169 tỷ đồng. Dự án này sẽ xử lý triệt để nguồn nước thải sinh hoạt, tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường ở thành phố. Việc phát triển kinh tế thành phố tập trung thúc đẩy ngành công nghiệp không khói phát triển. Một trong những mô hình du lịch mà Huế hướng đến là tour tham quan nhà vườn, sông, hồ bằng thuyền, phương tiện công cộng hoặc xe đạp, xe điện để giảm thiểu tác hại đến môi trường.
Cũng liên quan đến việc xây dựng thành phố xanh Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa phê duyệt kế hoạch hành động đến năm 2020 định hướng đến năm 2030. Theo đó, dự kiến từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ huy động khoảng 9.000 tỷ đồng để xây dựng thành phố xanh bền vững, trong đó giai đoạn 2016-2020 khoảng hơn 1.400 tỷ đồng, giai đoạn 2020-2030 khoảng 7.600 tỷ đồng.
Mơ về thành phố đáng sống
Buổi sáng mùa hè trong veo, tại một quán cà phê cóc ven sông Hương, một nhóm cán bộ hưu trí bàn luận sôi nổi về sự kiện Huế được trao danh hiệu “Thành phố xanh quốc gia”. Niềm tự hào khi Huế “ẵm” danh hiệu mới khiến những cụ ông tóc bạc mơ màng về một tương lai Huế trở thành “thành phố đáng sống”. “Nếu chỉ là thành phố xanh không thôi, Huế sẽ mãi còn nghèo. Huế phải là thành phố đáng sống thì mới thịnh vượng được bằng du lịch, nhưng để đạt được điều đó, Huế còn có quá nhiều việc phải làm”- một cán bộ hưu trí tên Vĩnh góp lời.
Sau một lúc trầm ngâm, ông Vĩnh nói tiếp: “Với thương hiệu của một thành phố xanh, Huế có nhiều thế mạnh về lĩnh vực du lịch, nhưng du lịch Huế lại phát triển rất ì ạch. Du khách đến Huế nhiều nhưng ít khi lưu trú tại Huế, nhiều du khách “một đi không trở lại” do những bất cập trong phát triển du lịch ở cố đô. Đó là tình trạng sản phẩm du lịch nghèo nàn, nạn cò mồi, hét giá xảy ra khá phổ biến. Đặc biệt, người làm du lịch cũng như chính quyền chưa đặt mình vào vị thế của người phục vụ du khách”.
Tiếp lời ông Vĩnh, cụ ông tên Hùng góp chuyện rất hăng hái. Theo ông Hùng, để Huế trở thành thành phố đáng sống, việc cần kíp nhất hiện nay là phải xây dựng nếp sống thị dân và ý thức của công chức, viên chức các cơ quan nhà nước theo hướng văn minh, tinh tế. “Một thành phố không thể gọi là nơi-đáng-sống khi mà thị dân vẫn xả rác, rải và đốt vàng mã bừa bãi, khi mà nạn trộm cướp, nghiện hút vẫn xảy ra. Không thể nào là nơi-đáng- sống khi người dân và du khách đến cơ quan công an trình báo bị mất trộm lại bị coi như người đi ăn trộm...”- ông Hùng nói.