Đặt lợi ích dòng họ lên trên hết là sai lầm
“Tôi là trưởng tộc của một dòng họ lớn. Dòng họ tôi có rất nhiều tiến sĩ, các nhà văn hóa. Những năm trước đây, dòng họ chúng tôi từng có 7 người trong Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2014, chúng tôi được nhận bằng danh dự "Dòng họ văn hóa" của tỉnh Nghệ An. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến chuyện sử dụng quan hệ dòng họ, uy tín của dòng họ để xin việc hoặc chạy chọt cho những con em trong dòng họ. Đó là việc hạ thấp phẩm giá của chúng tôi. Nếu anh có tài hoặc có đức, xin anh hãy đứng bằng đôi chân của mình. Nếu dòng họ nào cũng xử sự như trong trường hợp của LienVietPostBank thì tự nhiên sẽ thành lập những nhóm lợi ích theo dòng họ mà chất lượng cán bộ thì chưa chắc đã tốt. Đặt quyền lợi dòng họ lên trên cả quyền lợi công việc và của cơ quan là một sai lầm nghiêm trọng. Chúng tôi phản đối cách hành xử đó”.
(Ông Nguyễn Đức Ái -Trưởng tộc dòng họ Nguyễn Đức tại Hà Nội)
Thông báo có nội dung LienVietPostBank ưu tiên tuyển dụng người họ Dương. Nguồn: Internet
Tâm lý tiểu nông
“Vừa qua dư luận xôn xao thông tin LienVietPostBank ưu tiên tuyển dụng người thuộc dòng họ Dương. Thật là một chuyện buồn cười khi mà sang thế kỷ 21 người ta vẫn đặt quyền lợi của dòng họ lên trên hết. Đó là một tâm lý tiểu nông còn rơi rớt lại của nền nông nghiệp lạc hậu. Khi những người lãnh đạo đưa ra điều kiện đó, họ không đặt phẩm chất chuyên môn, trình độ của những người sẽ làm việc cho LienVietPostBank mà lấy thước đo là huyết thống dòng họ. Đó là do tâm lý tiểu nông chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không thấy được cái lợi lâu dài đến sự tồn vong của công ty sau này. Cần loại bỏ tâm lý này trong các cơ quan nhà nước”.
(Nhà xã hội học Nguyễn Chí Tình)
Sao vẫn còn tư tưởng "Một người làm quan, cả họ được nhở"?!
“Một người làm quan, cả họ được nhờ”, đó là câu trong dân gian thương hay nói về chế độ phong kiến ngày xưa. Dòng họ nào có một người làm quan lớn thì cả họ được ăn theo. Thậm chí có thể bãi nại khi vi phạm luật pháp. Tôi không nghĩ rằng những tư tưởng đó vẫn còn rơi rớt đến ngày hôm nay. Chúng ta đã xây dựng một chế độ mới cần loại bỏ tàn dư của chế độ phong kiến. Những tàn dư coi thường luật pháp như “một người làm quan cả họ được nhờ/ Nén bạc đâm toạc tờ giấy…” của thời đại phong kiến cần được loại trừ vĩnh viễn. Thế kỷ mới đang là thế kỷ của khoa học và trung thực".
(PGS. TS Lịch sử Tạ Ngọc Liễn)
Coi nhẹ quy định về tuyển dụng?
“Chúng ta đều biết, quy chuẩn lấy cán bộ phải qua các khâu chuyên môn và hành chính. Ngoài ra yêu cầu về trình độ chính trị trung, cao cấp (nếu là lãnh đạo trong cơ quan nhà nước). Nhưng nếu thực sự LienVietPostBank lấy tiêu chí huyết thống dòng họ để có thể vượt qua nhiều tiêu chí khác trong các công tác tuyển cán bộ thì rõ ràng là đã coi nhẹ mọi quy chuẩn xin việc và sử dụng cán bộ. Nếu Công ty nào, cơ quan nào cũng chọn người như thế thì chúng ta sẽ dẫn đến một sự hỗn loạn vì khi đó mỗi cơ quan công ty sẽ là một đại diện cho quyền lợi của dòng họ”.
(Luật sư Phan Hồng)