Theo cô Thủy, trong 2 năm trở lại đây, Bộ GD&ĐT có sự thay đổi về cấu trúc đề thi với 2 phần: đọc hiểu và tự luận với thang điểm lần lượt là 3 - 7. Yêu cầu của mỗi phần là khác nhau nên các thí sinh cũng cần có những lưu ý riêng để đạt được kết quả cao nhất.
Ngắn gọn ở phần Đọc hiểu
Ảnh minh họa.
Thứ nhất, với các câu thuộc về phần trả lời kiến thức, thí sinh nên viết ngắn gọn, trúng trọng tâm. Chẳng hạn, nếu đề bài hỏi phương thức biểu đạt của đoạn trích thì các em chỉ cần trả lời: “phương thức biểu đạt của đoạn văn trên là…”, không nên chêm xen quá nhiều từ ngữ, câu giải thích thừa. Như vậy, thí sinh vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đạt yêu cầu của đề. Trên thực tế, người chấm rất quan tâm tới nội dung trả lời chứ không quá chú trọng tới phần rào trước của các em.
Thứ hai, trong phần viết đoạn văn, các em cũng nên chú ý trả lời trúng nội dung yêu cầu, không nên sa đà, viết quá dài hay viết sơ sài, cụt lủn. Câu viết đoạn thường chiếm 0,5 - 1 điểm nên các em lưu ý trình bày rõ ràng, có câu chủ đề, thể hiện được suy nghĩ, cảm nhận của bản thân về vấn đề được nêu ra trong câu hỏi.
Bố cục ý rõ ràng ở phần Tự luận
Thứ nhất, do điểm hai câu phần này không chênh lệch nhau nhiều (3 điểm Nghị luận xã hội và 3 điểm Nghị luận văn học) nên thí sinh nên chọn làm trước câu nào mình nắm chắc kiến thức hơn và cảm thấy dễ viết hơn.
Tuy nhiên, thí sinh cũng không nên sa đà vào phần thế mạnh mà bỏ qua câu còn lại. Dù viết được ít hay nhiều, thí sinh cũng nên cố gắng hoàn thành trọn vẹn, đầy đủ các phần bố cục ( Mở bài – Thân bài – Kết bài) của hai câu tự luận đó. Với một bài văn không đủ bố cục, thí sinh nghiễm nhiên mất từ 0,25 – 0,5 điểm.
Thứ hai, trước khi tiến hành làm bài, thí sinh nên tái hiện lại kiến thức, gạch trước ra giấy nháp hệ thống luận điểm với các kí tự đánh dấu ý lớn nhỏ, các “từ khóa” để định hướng cho bài văn. Các đoạn văn nên viết theo lối diễn dịch với câu chủ đề đặt ở đầu đoạn. Như vậy, bài viết sẽ rõ ràng, không bị lan man, đầy đủ ý; đồng thời tạo thế mạnh trong việc “lấy điểm”.
Phân bố thời gian hợp lý, tránh tẩy xóa
Ngoài các kỹ năng làm bài, việc phân bố thời gian cũng hết sức quan trọng. Theo cô Thủy, với biểu điểm 3 – 3 – 4 như đề thi hiện nay, thí sinh nên dành 30 phút cho phần Đọc – hiểu, 60 phút cho phần Nghị luận Xã hội và phần thời gian còn lại (90 phút) cho Nghị luận Văn học.
Khi làm được một nửa đề thi, nếu thời gian sử dụng cho các phần vượt quá mức giới hạn thì thí sinh nên đẩy nhanh tiến độ làm bài, nhanh chóng chuyển sang các phần khác. Bên cạnh đó, thí sinh cũng nên dành 10 phút cuối giờ để soát lại một số lỗi như lỗi chính tả, lỗi diễn đạt để tránh mất điểm oan.
Cuối cùng, các thí sinh cũng không nên tẩy xóa quá nhiều trong bài thi. Khác với các môn Tự nhiên, một bài Văn gạch xóa quá nhiều sẽ khiến người chấm thi phần nào mất đi thiện cảm, gây bất lợi cho các thí sinh.
"Chúc các em bình tĩnh, tự tin, vượt vũ môn thành công trong môn thi này!", cô Thủy chia sẻ.