Dân Việt

Vụ cá chết: Cần xác định thiệt hại của từng hộ dân

Lê Chiên - Lương Kết (ghi) 02/07/2016 06:00 GMT+7
“Để có sở bồi thường thiệt hại khách quan, cơ quan chức năng cần phải xác định thiệt hại của từng hộ gia đình. Nếu người dân cảm thấy số tiền bồi thường chưa tương xứng với thiệt hại xảy ra thì thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

img

Ban lãnh đạo Công ty Formosa Hà Tĩnh cúi đầu xin lỗi toàn thể nhân dân Việt Nam sau khi thừa nhận đã gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Theo luật sư Trần Thị Thúy (Đoàn luật sư Nghệ An), việc bồi thường thiệt hại cho người dân ven biển miển Trung do Formosa gây ra phải gồm nhiều đối tượng: Ngư dân, người nuôi trồng thủy hải sản, người làm dịch vụ… Theo những quy định và nguyên tắc của việc tính toán thiệt hại của pháp luật hiện hành, thì việc tính toán xác định thiệt hại là thiệt hại đến đâu thì phải bồi thường đến đó; tùy theo đối tượng mà có cách xác định bồi thường khác nhau.

Ví dụ đối với ngư dân: "Thu nhập bình quân mỗi ngày đi biển" x "Số ngày đi biển bình quân trong tháng" x "Thời gian không ra khơi từ sau khi xảy ra sự cố môi trường đến nay" = "Tổng số thiệt hại phải bồi thường".

Đối với những người nuôi trồng thủy hải sản: Trị giá thủy hải sản đã chết cộng với thiệt hại (ngày công lao động)  trong thời gian không tiếp tục nuôi trồng do nước biển bị ô nhiễm đến khi môi trường trở lại bình thường. Tương tự như vậy để tính thiệt hại đối với người làm dịch vụ đánh bắt, người buôn bán thu mua hải sản…

img

Luật sư Trần Thị Thúy (Đoàn luật sư Nghệ An).

Hiện Formosa hứa bồi thường, nhưng chưa biết phương bồi thường thế nào? Nếu Formosa trực tiếp làm việc với người dân xác định mức độ thiệt hại và trực tiếp thanh toán việc bồi thường thì người dân sẽ nhận tiền ở đó. Nếu Formosa ủy quyền cho cơ quan, tổ chức nào đứng ra làm việc này thì người dân sẽ liên hệ với cơ quan đó để làm thủ tục nhận bồi thường.

Từ thông tin trên báo chí cho thấy, trong 500 triệu USD mà Formosa bỏ ra bao gồm cả tiền bồi thường thiệt hại, tiền chuyển đổi nghề…

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, việc bồi thường cho các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về tài sản sẽ theo quy định của pháp luật dân sự. Trước tiên, việc bồi thường này sẽ dựa trên sự thương lượng, thỏa thuận của các bên, nếu các bên không tự thương lượng, thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện tại tòa án theo quy định tại Điều 162 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Như vậy, để có sở bồi thường thiệt hại khách quan, cơ quan chức năng cần phải xác định thiệt hại của từng hộ gia đình. Trong trường hợp người dân cảm thấy số tiền bồi thường chưa tương xứng với thiệt hại xảy ra thì thương lượng thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại. Và người dân phải chứng minh được thiệt hại xảy ra. Các khoản bồi thường được quy định tại Điều 608 Bộ luật Dân sự. Để chứng minh được thiệt hại, cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên của mình.

Luật sư Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): 500 triệu USD không phải con số do tòa phán quyết

Số tiền bồi thường 500 triệu USD để khắc phục thiệt hại do việc xả thải gây ô nhiễm là con số Formosa tự nguyện đưa ra để khắc phục chứ không phải là con số do tòa án quyết định. Ở đây số người dân bị thiệt hại từ việc ô nhiễm môi trường biển ở các tỉnh ven miền Trung không hề nhỏ, đó những người đánh cá, những người làm muối, làm du lịch biển, từ thiệt hại mất việc làm, mất thu nhập cho đến mất nghề nghiệp trong thời gian tới... Với số lượng người bị thiệt hại lớn như vậy trong một vụ gây ô nhiễm là chưa có trong tiền lệ.

Khi Formosa tự nguyện đưa ra khoản tiền khắc phục hậu quả thì Nhà nước tiếp nhận, sau đó thông qua sự điều phối của Chính phủ để đưa đến tay người dân bị thiệt hại. Ở đây số lượng người bị thiệt hại rất đông, phía Formosa không thể làm việc với từng hộ dân để xác định thiệt hại. Việc này chính quyền sẽ phải đứng ra thống kê, xác minh thiệt hại để xác định con số cụ thể của từng vùng để nhận tiền đền bù. Sau khi nhận khoản đền bù thiệt hại, nếu người dân nào thấy việc bồi thường chưa phù hợp thì có thể yêu cầu Formasa bồi thường thêm, nếu không thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện dân sự.

Việc có khởi tố vụ án liên quan đến việc gây ô nhiễm của Formosa hay không còn phải xem xét trên nhiều yếu tố. Pháp luật hình sự hiện hành chỉ xem xét xử lý hình sự đối với cá nhân, khi xác định được cá nhân đó có hành vi vi phạm cấu thành tội phạm. Trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có quy định xử lý hình sự pháp nhân khi xác định pháp nhân đó có hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ông Đặng Quang Phương - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao