Tuyên bố này cũng được đưa ra trong bối cảnh Toà Trọng tài Thường trực La Haye sẽ công bố phán quyết vào ngày 12.7 về đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. “Bắc Kinh không bao giờ khoan nhượng về chủ quyền”, ông Tập cho biết.
Ông Tập Cận Bình đưa ra những lời tuyên bố này vào lúc tình hình Biển Đông nóng bỏng vì Trung Quốc khẳng định chủ quyền phi lý trên hầu hết diện tích Biển Đông và xây dựng một loại "vạn lý trường thành" trên vùng biển do Việt Nam và Philippines kiểm soát.
Vào ngày 12.7 này, Toà Trọng tài Thường trực sẽ công bố phán quyết về đơn kiện của Philippines mà theo giới phân tích sẽ bất lợi cho Bắc Kinh.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý hầu hết Biển Đông.
Trung Quốc từng nhiều lần tuyên bố sẽ không công nhận quyết định được nhiều người chờ đợi này, và đang ráo riết vận động hậu thuẫn ngoại giao từ nhiều nước.
Hiện có nhận định rằng Bắc Kinh sẽ đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không ở Biển Đông, nếu vấp phải phán quyết bất lợi từ Tòa Trọng tài.
Để không cho Trung Quốc áp đặt quốc tế trước chuyện đã rồi, Mỹ phải tăng cường hải quân và tuần tra trong khu vực. Tuy nhiên, ám chỉ đến các hoạt động tuần tra của Mỹ, ông Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc không sợ rắc rối.
Liên quan đến việc Tòa Trọng tài vụ kiện Philippines– Trung Quốc sẽ ra phán quyết cuối cùng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam đã được thông báo về việc Tòa Trọng tài sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12.7.2016.
Ông Lê Hải Bình nêu rõ: Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và là quốc gia thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến vụ kiện và mong muốn Tòa Trọng tài sẽ đưa ra phán quyết công bằng và khách quan, tạo cơ sở cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
Một lần nữa, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.”