“Các bộ, ngành trung ương, địa phương phải nhanh chóng có chính sách đảm bảo đời sống cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ đánh bắt xa bờ cho ngư dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại phiên họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương hôm qua, 1.7.
Không chấp nhận đánh đổi môi trường
Thủ tướng đặt ra ba yêu cầu cụ thể: Thứ nhất, phải thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, trong đó quy định rõ hỗ trợ doanh nghiệp bao nhiêu, hỗ trợ cho người dân bao nhiêu, quỹ tái xử lý môi trường bao nhiêu. Thứ hai, về số tiền 11.500 tỷ đồng do Formosa bồi thường, Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ TN&MT và các bộ liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ cho người dân. Chính sách phải đề cập cụ thể việc đánh bắt xa bờ như thế nào, xử lý và tái xử lý môi trường ra sao… Thứ ba, các bộ: LĐ-TB&XH, NN&PTNT, Tài chính sớm có chính sách hỗ trợ việc làm cho người dân các địa phương bị ảnh hưởng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng chỉ đạo để cuối tháng 7 xây dựng được phương án xử lý có hiệu quả khoản tiền bồi thường của Formosa. Thủ tướng lưu ý thêm yêu cầu quan trọng nhất là Formosa phải cam kết không tái diễn hành vi vi phạm. Nếu họ lại gây sự cố, cơ quan chức năng sẽ kiên quyết đóng cửa.
“Tôi nói rõ, không phải vì muốn thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài mà chúng ta chấp nhận đánh đổi môi trường” - Thủ tướng khẳng định.
Mong muốn lớn nhất của ngư dân Hà Tĩnh là được hỗ trợ đóng tàu đánh bắt xa bờ để tiếp tục vươn khơi. Trong ảnh: Ngư dân Nguyễn Viết Nam, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ảnh: Đắc Lam
Nhiều chính sách hỗ trợ người dân
Tại cuộc họp, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết Bộ đã sẵn sàng hỗ trợ ngư dân các tỉnh miền Trung khôi phục sản xuất, xuất khẩu thủy hải sản. Ngay trong tuần tới Bộ sẽ trình Thủ tướng xem xét, ban hành quyết định về các chính sách hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề, hạ lãi suất cho ngư dân bốn tỉnh; khôi phục thủy sản, tái tạo hệ sinh thái biển…
Theo dự thảo của Bộ, kinh phí đầu tư trong việc trồng lại san hô, làm sạch môi trường biển khoảng 40 tỷ đồng/năm, do trung ương hỗ trợ. Ngư dân đóng tàu công suất dưới 90 CV được vay vốn tại các ngân hàng với lãi suất 7%/năm trong vòng 15 năm, trong đó Nhà nước hỗ trợ 6%, còn chủ tàu chỉ trả 1%. Các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản cũng được vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã ký quyết định hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố cá chết. Theo đó, từ ngày 1.7 đến 31.12, tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho các thành viên thuộc hộ gia đình bị ảnh hưởng; hỗ trợ 100% lãi suất cho hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn để chuyển đổi nghề. Thời gian hỗ trợ lãi suất là 12 tháng kể từ ngày giải ngân, mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ.
Ngoài ra, ngư dân đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần sẽ được ngân sách hỗ trợ từ 200 triệu đến 400 triệu đồng/tàu tùy theo công suất; mua máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh được hỗ trợ 100% kinh phí nhưng không quá 30 triệu đồng...
Đề nghị kiểm tra việc cấp phép cho Formosa “Cần phải thanh tra, kiểm tra quá trình thẩm định, phê duyệt dự án Formosa xem có tiêu cực hay không để xử lý nghiêm minh. Đây cũng là việc làm hợp lòng dân” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp. Phó Thủ tướng yêu cầu việc xử lý số tiền 11.500 tỷ đồng bồi thường phải chính xác, đúng thực tế, đúng đối tượng và không được thất thoát, tiêu cực. Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá: “Sau nhiều nỗ lực, Chính phủ đã công bố nguyên nhân, trách nhiệm bồi thường của Formosa trong sự cố môi trường ở miền Trung. Đặc biệt, chúng ta đã phát đi tín hiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước rằng phải thực sự coi trọng lợi ích của nhân dân, vừa kinh doanh vừa phải đảm bảo môi trường”. Đề nghị hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ Ngư dân đánh bắt gần bờ thường ở các xã ven biển nên không có đất, không thể chuyển sang các hình thức sản xuất nông nghiệp khác. Vì vậy đề nghị Chính phủ hỗ trợ để họ có thể đóng tàu đánh bắt xa bờ hoặc xuất khẩu lao động. Ngoài ngư dân, các cơ sở du lịch cũng bị ảnh hưởng lớn. Tỉnh đề nghị Chính phủ có chính sách tín dụng, giảm thuế giúp các nhà đầu tư vượt qua khó khăn. Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Tìm cách khôi phục du lịch biển Tổng cục Du lịch đã lập đoàn khảo sát đánh giá thiệt hại, tham mưu cho Bộ VH-TT&DL lập kế hoạch hỗ trợ, khôi phục du lịch tại bốn tỉnh bị ảnh hưởng. Chúng tôi sẽ đưa ra nhiều giải pháp trước mắt, đồng thời cũng có những giải pháp phải thực hiện trong vài ba năm. Khi môi trường biển trở lại bình thường, không có lý do gì để du khách quay lưng với du lịch biển miền Trung. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Chỉ mong được bồi thường thỏa đáng Gần ba tháng nay chúng tôi phải ngồi nhà, bởi ra khơi đánh cá về không ai mua hoặc mua giá rất rẻ nên lỗ tiền xăng dầu. Chúng tôi chỉ mong được bồi thường thỏa đáng, đồng thời Nhà nước làm sao để biển sạch, thị trường cá tiêu thụ được như trước đây. Ngư dân Lê Văn Đại, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh |