Dân Việt

Từ sự cố Formosa: Lo ngại “ý thức" cũng ô nhiễm

Thanh Xuân 02/07/2016 19:00 GMT+7
Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ vừa qua khi đề cập đến sự cố Formosa đã khẳng định: “Không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường”. Còn các chuyên gia kinh tế thì lo ngại “không chỉ công nghệ gây ra ô nhiễm mà nguy hiểm hơn cả là ý thức bị “ô nhiễm”, bất chấp vì lợi nhuận”.

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định, không chỉ có công nghệ thấp mà ngay cả trách nhiệm, ý thức bị “ô nhiễm” mới nguy hiểm. Bởi nếu công nghệ thấp mà có ý thức tốt thì môi trường phần nào vẫn được bảo vệ. Ở đây ngay cả ý thức cũng đang bị “ô nhiễm”, họ cố tình gây ra ô nhiễm môi trường để đạt lợi nhuận cao.

“Thủ tướng đã đưa ra thông điệp là “phát triển kinh tế không thể đánh đổi tất cả” thực ra đây không phải là quan điểm mới nhưng nó luôn đúng với mọi thời đại. Cái quan trọng là thông điệp này được đưa ra bởi người đứng đầu chính phủ càng thể hiện quyết tâm cao hơn cho mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vũng”, ông Phong nói.

Ông Phong cũng cho rằng, muốn phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường thì ngoài sự quyết tâm của Chính phủ còn phụ thuộc vào ý thức của doanh nghiệp, ý thức của cộng đồng…

Cùng chung nhận định trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm bảo vệ môi trường của Thủ tướng vì môi trường là lợi ích lâu dài cho thế hệ mai sau của dân tộc chúng ta. Trong các tiêu chí của Liên hợp quốc, môi trường là một trong những yếu tố rất quan trọng. Bài học không ở đâu xa chính là nước láng giiềng Trung Quốc, do tăng trưởng quá nhanh đã dẫn tới môi trường bị tàn phá nghiêm trọng.

img

Sau Formosa các DN giấy, nhuộm cũng mới bị thanh tra khả năng gây ô nhiễm

Hiện nay, theo thống kê của Ngân hàng thế giới, mỗi năm Trung Quốc bị thiệt hại âm 6,5% GDP do ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm môi trường gây ra khói bụi, dẫn tới xe ô tô không đi được nhanh hay gây tai nạn; máy bay không cất cánh được, tàu thủy cũng hay va chạm…;  từ nhà cửa, xe cộ, cầu cảng…tất cả đều bị ăn mòn rất nhanh; yếu tố quan trọng nhất là con người cũng hay mắc các bệnh hô hấp, ung thư…họ còn tới mức phải mua cả không khí sạch để thở.

 “Trong kinh tế thị trường, các doanh nghiệp tàn phá môi trường thì được lợi còn người dân thì bị gánh chịu, do đó Nhà nước phải trừng phạt và bắt các doanh nghiệp này phải đền bù và không được tiếp diễn tình trạng gây ô nhiễm môi trường”, ông Doanh nhấn mạnh.  

Cũng theo TS. Lê Đăng Doanh, việc một số tỉnh buông lỏng các tiêu chí về môi trường như thời gian vừa qua ngày càng nhiều. Sau Formosa thì là các doanh nghiệp nhuộm, doanh nghiệp sản xuất giấy mới bị phát hiện ở Hậu Giang…. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải quy trách nhiệm cho từng các doanh nghiệp đang gây ra ô nhiễm môi trường.

Ông Doanh cũng cho rằng, Việt Nam đang ô nhiễm môi trường ở mức nghiêm trọng, các dòng sông hiện đã bị ô nhiễm hết, không khí ở Hà Nội mới đây được công bố cũng bị ô nhiễm. Một nghịch lý xảy ra ở Việt Nam là có những làng nghề ngày càng giàu lên những tuổi thọ của người dân ở các làng nghề này lại giảm đi.Chúng ta phát triển kinh tế chậm hơn Trung Quốc nhưng chẳng mấy chốc nếu không có kiểm soát tốt thì Việt Nam cũng bị ô nhiễm môi trường giống như Trung Quốc.

Ngân hàng thế giới tính toán, thiệt hại của Việt Nam mỗi năm là âm 2,5% GDP do ô nhiễm môi trường nhưng đó là con số cũ tính toán lâu rồi chứ nếu cập nhật mới có khi thiệt hại còn lớn hơn.

Còn TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện tài chính): Không phải bây giờ mà hàng chục năm nay các nhà kinh tế đã cảnh báo nếu không kiên quyết lựa chọn công nghệ của các doanh nghiệp có vốn FDI thì Việt Nam sẽ trở thành “thùng rác” của các nước phát triển.  

Không thể đánh đổi vối với môi trường, xã hội cũng như tính minh bạch, công khai, hiệu quả của dòng vốn đó. Hiện nay, các nhà lãnh đạo cũng đã hướng tới việc thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh của nền kinh tế từ dùng nhiều vốn, khai thác tài nguyên thiên nhiên, mở rộng sản xuất để hướng tới tăng trưởng GDP chuyển sang tăng trưởng theo chiều sâu với việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động….đây là một trong những xu hướng tích cực.

Ông Thịnh cũng cho rằng, việc để xảy ra ô nhiễm môi trường cũng cho thấy ngoài công nghệ lạc hậu ra thì ý thức cũng “lạc hậu”. Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài nói riêng và nhà đầu tư nói chung họ luôn mong muốn thu hồi được lợi nhuận cao nhất khi bỏ vốn ra đầu tư. Do đó, nếu không có quy định đảm bảo môi trường để các nhà quản lý kiểm soát chặt hơn, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục “lờ” đi việc bảo vệ môi trường để tối ưu hóa lợi nhuận.