Tại Hà Nội
Ghi nhận tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, thí sinh đầu tiên ra khỏi điểm thi này, Dương Văn Tùng - Lĩnh Nam, Hà Nội - chia sẻ: "Em thấy đề thi năm nay khá mở, đặc biệt là câu 4 nói về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước. Em làm tương đối tốt câu đó. Tuy nhiên, các câu khác em làm không tốt lắm".
Đề thi môn Lịch sử
Thi sinh Bùi Lê Minh Trang - Đống Đa, Hà Nội - chia sẻ: "Em thấy đề năm nay không có tính phân loại cao. Hầu hết các câu hỏi không phải là những giai đoạn lịch sử quá quan trọng. Em thích và làm tốt nhất câu nói về cuộc Tiến công chiếc lược Đông Xuân. Còn câu cuối cùng, câu hỏi mở, dễ ăn điểm nhất. Em nghĩ là câu đó có thể là câu để thoát điểm chết."
Thí sinh đến dự thi môn Lịch sử tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thuộc cụm thi Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nguyễn Minh (Hoàn Kiếm) Hà Nội chia sẻ: "Đề thi Lịch sử năm nay khá dễ và có tính phân loại cao. Em nghĩ em được khoảng 9 điểm".
Theo Minh, thí sinh nên quan tâm đến vấn đề thời sự, tuyên truyền nâng cao ý thức dân tộc, tìm hiểu chủ trương của Đảng, đóng góp cho đất nước giàu mạnh.
Nguyễn Minh tự tin đạt 9 điểm môn Lịch sử
Ghi nhận tại cụm thi số 3 do Trường Đại học Thủy Lợi chủ trì, vào khoảng 9h50 nhiều thí sinh đã ra khỏi phòng thi.
Thí sinh Lê Tuấn Thành, Trường THPT Kim Liên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Đề thi Sử năm nay vừa sức với thí sinh, các bạn học lực trung bình có thể đạt được 5 điểm dễ dàng. Đối với các bạn cần đạt được điểm cao, ngoài việc học thuộc kiến thức cơ bản thì cần phải có tư duy phân tích, suy luận và áp dụng vào thực tế”.
Còn thí sinh Trần Hoàng Việt, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Trong đề thi Sử em ấn tượng nhất câu cuối hỏi về thế hệ trẻ ngày nay cần phải làm gì để phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc. Với câu hỏi trên, khiến chúng em phải vận dụng kiến thức lịch sử và áp dụng thực tế để hoàn thành”.
Thí sinh Tạ Đình Cương, Trường THPT Kim Liên cho hay, trong đề thi có hỏi về thế hệ trẻ ngày nay cần phải làm gì để phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc. Cường ấn tượng và làm câu hỏi trên rất tâm đắc.
Ghi nhận tại cụm thi Đại học Sư phạm Hà Nội, hết 2/3 thời gian, nhiều thí sinh đã rời phòng thi với tinh thần thoải mái.
Thí sinh Hoàng Thu Uyên (trường THPT Chuyên Amsterdam Hà Nội) chia sẻ: “Đề thi năm nay không khó, không đòi hỏi thí sinh phải học thuộc lòng quá nhiều. Thí sinh cần phải phân tích, đánh giá nhiều hơn”.
Đề thi môn Lịch sử được thí sinh đánh giá là không khó, đòi hỏi phân tích nhiều hơn thuộc lòng.
Thí sinh Mai Phương Thảo (trường THPT Nguyễn Tất Thành) đánh giá, đề thi năm nay khá vừa sức với thí sinh, không có câu hỏi nào đánh đố. Thí sinh chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản và biết phân tích thì có thể dễ dàng lấy được điểm 7 trở lên.
Tại TP.HCM
Sáng 4.7, các thí sinh tại TP.HCM đã tham gia môn thi Lịch sử trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016. Hầu hết các thí sinh đều đánh giá đề năm nay rất mở ở phần lịch sử Việt Nam, riêng câu hỏi đầu tiên về lịch sử thế giới hoàn toàn nằm trong sách giáo khoa.
Ghi nhận tại điểm thi ĐH Bách Khoa TP.HCM, đã có nhiều thí sinh ra sớm sau khi hết 2/3 thời gian làm bài. Đây đều là những thí sinh đạt điểm trung bình môn Lịch sử năm 12 từ 8.8 đến 9.6 và chỉ đặt mục tiêu tối đa 80% cho bài thi. Nhiều thí sinh khác chỉ tự tin với 60 - 70% bài làm.
Một nhóm thí sinh Trường THPT Củ Chi (huyện Củ Chi) đang trao đổi về bài thi môn Lịch sử tại điểm thi ĐH Bách Khoa TP.HCM.
Thí sinh Trần Thị Thùy Dương (Trường THPT Trung Lập, huyện Củ Chi) đánh giá: “Phần lịch sử thế giới trong đề thi năm nay dễ và nằm trọn trong sách giáo khoa; còn phần lịch sử Việt Nam khó hơn, nằm ngoài sách giáo khoa nhiều. Các câu hỏi về lịch sử Việt Nam rất mở, đòi hỏi thí sinh phải có khả năng phân tích, mở rộng”.
Dương cho biết, thế mạnh của em là làm các câu học thuộc nên đã không hoàn thành tốt bài thi Lịch sử này. Dương đoán mình chỉ đạt hơn 6 điểm cho môn Lịch sử trong kỳ thi.
Thí sinh Quỳnh Hoa (THPT Trần Phú, quận Tân Phú) cũng đánh giá đề Lịch sử năm nay có nhiều câu mở. “Câu hỏi mở nhất là về việc thế hệ trẻ phải làm gì để phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc. Với lại câu nêu tác động của chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Đông Xuân (1953 - 1954) đối với lịch sử Việt Nam cũng cần thí sinh tư duy, suy nghĩ để phân tích thêm theo hiểu biết của mình”, Hoa nói.
Thí sinh Quỳnh Hoa (THPT Trần Phú, quận Tân Phú) đang kiểm tra lại bài làm so với những phần đã ôn.
“Đề năm nay không khó nhưng cũng không dễ. Để làm được bài thi này, cần phải học bài kỹ. Nếu chỉ học theo sách giáo khoa thì khó đạt điểm trên trung bình. Thay vào đó, cần phải tư duy, mở rộng từ những kiến thức đã học”, thí sinh Nguyễn Trung Thuật (huyện Củ Chi) đánh giá.
Về câu hỏi dễ nhất trong đề thi, các thí sinh được hỏi đều khẳng định, đó là câu hỏi về nguồn gốc, đặc điểm, quá trình và ý nghĩa của cuộc cách mạng khoa học công nghệ thế kỷ XX.
Tại Đà Nẵng
Sáng nay (4/7), tại Đà Nẵng, các thí sinh dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Trần Phú, cho biết đề Sử năm nay có 4 câu, trong đó có 3 câu lịch sử Việt Nam (7 điểm) và 1 câu lịch sử thế giới (3 điểm).
Thí sinh dự thi môn Lịch sử tại cụm thi Đại học Đà Nẵng
Thí sinh Lê Thị Nhung (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) cho rằng: “Đề năm nay dễ hơn so với năm trước, giữa phần lý thuyết và vận dụng tương đương nhau, dễ lấy điểm hơn. Theo Nhung, đề so với năm ngoái có sự thay đổi ở phần lý thuyết nhiều hơn, còn vận dụng ít hơn. “Em thích nhất câu cuối, câu này hay, suy nghĩ của em để phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, em đã liên hệ ý thức chung tay của thanh niên thời nay, về chủ quyền, giữ vững biển đảo, về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”.
Còn thí sinh, Đoàn Phúc Hậu (Trường THPT Hoàng Hoa Thám) cho biết, đề năm nay vừa lý thuyết vừa vận dụng thực tiễn. “Đề năm nay không cần nhớ máy móc, mà trên cơ sở sự kiện, thí sinh có thể làm bài được”.
Được biết, môn thi Lịch Sử năm nay, Đà Nẵng có 745 thí sinh đăng ký dự thi, với 3 điểm thi được tổ chức.
Tại Nghệ An
Với môn thi Lịch sử nhiều thí sinh tại Nghệ An cho rằng đề bám sát với sách giáo khoa.
Thí sinh Nguyễn Văn Hùng, quê huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Đề thi năm nay bám sát với chương trình lịch sử lớp 12, vì vậy chỉ cần học kỹ và nắm chắc chương trình sẽ làm tốt môn Lịch sử. Với em, em có thể sẽ đạt điểm 8, với số điểm này cộng với các môn khác, em sẽ chọn một trường tốt hợp với em để xét vào”.
Nhiều thí sinh hào hứng với đề thi môn Lịch sử sáng nay.
Về phần liên hệ, thí sinh Cao Duy Quát ở điểm thi Đại học Vinh cho biết: “Vấn đề đại đoàn kết dân tộc và phần nói về thế hệ trẻ hôm nay phải bảo vệ và phát huy truyền thống dân tộc, khiến chúng em ai cũng hào hứng vì đề sát với thực tế”.
Trong khi đó, một số thí sinh khác cũng cho rằng, đề sử có tính phân loại rất cao, đề hay, không quá nặng nề các số liệu và kiến thức học thuộc mà đòi hỏi học sinh phải tư duy, am hiểu được bản chất của các vấn đề, sự kiện lịch sử.
Sáng 4/7, theo thống kê, cụm địa phương ở Nghệ An chỉ có 73 thí sinh thi môn Lịch sử. 19/26 điểm thi địa phương không có thí sinh dự thi, ở cụm thi đại học có 2.749 thí sinh đăng ký và là môn thi có số lượng đăng ký ít nhất.