Xã Vĩnh Thái nằm phía tây của TP.Nha Trang, nơi có con sông Quán Trường và sông Tắc chảy ra cửa biển. Từ những năm 1990, khi tỉnh Khánh Hòa có chủ trương mở rộng thành phố ra hướng tây, xã Vĩnh Thái là một trong 3 xã ven sông trở thành đích nhắm của các chủ đầu tư với ý tưởng xây dựng khu đô thị mới (ĐTM) với thế “tựa núi, kề sông”. Hàng loạt giấy phép đã được cấp và các chủ đầu tư đã “nuốt” gần trọn 1.400ha đất của cả xã này, nhưng hầu hết là “treo” vô thời hạn hoặc xới lên, đổ nền rồi “treo”.
Nền các dự án cao bằng nóc nhà, lấp kênh mương thủy lợi, dồn nước vào khu dân cư mỗi khi có mưa. |
Dự án sớm nhất ở Vĩnh Thái bắt đầu từ năm 1991, là Khu dân cư Đất Lành, diện tích 108ha, nhưng đến nay vẫn chưa xong giai đoạn 1; dự án “sáng sủa” nhất là Khu đô thị Vĩnh Thái, sau 8 năm thực hiện cũng mới chỉ đổ nền giai đoạn 1 và đang xây 2 nhà mẫu.
Các dự án khác, kể cả dự án “công” lẫn “tư” đều treo hoặc thực hiện rất chậm, như: Khu dân cư phía tây Lê Hồng Phong, Biệt thự Giáng Hương, Khu liên hợp thể thao, Dự án Côn Minh, Đô thị Hà Quang, Chỉnh trị sông Tắc và sông Quán Trường… Theo ngành chức năng, có tổng cộng 11 dự án treo đang gây khốn khổ cho người dân ở đây.
Sống trong sợ hãi
Bị 11 DA chiếm đất và nhiều DA ở phường giáp ranh bao vây, nhiều năm trở lại đây, cứ đến mùa mưa bão là 2.000 hộ dân xã Vĩnh Thái lại cuống cuồng lo chống chọi với lụt, sợ nhất là “túi nước” Đồng Rọ thuộc thôn Vĩnh Xuân đổ xuống.
Ông Võ Văn Hòa sống ở khóm Đồng Rọ hơn 20 năm, than thở: Cái nhà gỗ này của tui sắp sập tới nơi rồi, mấy năm liền xin sửa mà chính quyền không cho vì nằm trong vùng quy hoạch. Mùa lụt năm nào nước cũng ngập tới nóc, ngâm hàng chục ngày, không biết nhà tui có qua nổi mùa mưa năm nay không…
Còn bà Nguyễn Thị Phụng (65 tuổi) lo lắng: Tui ở đây từ năm 1994, nhưng cái nhà ván dựng lên từ hồi đó vẫn như cũ bởi không được xây cất. Năm ngoái lụt lớn, tui trèo lên nóc nhà nằm, sợ bị lũ cuốn thì ít mà sợ bị sập mất chỗ ở thì nhiều…
Ông Nguyễn Văn Đỗ - Trưởng khóm Đồng Rọ cho hay: Chỉ cách trung tâm thành phố vài phút đi xe máy, nhưng người dân nơi đây như sống ở vùng sâu, vùng xa, không điện, không nước sạch, mưa đến là bị ngập úng đến mấy tuần...
Ở Vĩnh Thái, nhìn đâu cũng thấy dự án. |
Khu Đồng Rọ bị tỉnh quy hoạch thành khu liên hợp thể thao, nhưng “treo” 16 năm nay không động tĩnh gì. Bị cấm xây dựng, gần 600 nhân khẩu phải sống trong những căn nhà xiêu vẹo. Nhiều đại gia đình 4-5 hộ phải chui rúc trong căn nhà chật hẹp, trong khi đất vườn mênh mông. “Chính quyền bảo sẽ di dời chúng tôi đến thôn Đất Lành, nhưng khu dân cư Đất Lành làm 10 năm rồi mà vẫn chưa xong…”- ông Đỗ nói.
Mất đất, mất nhà
Trong số 11 dự án treo, chỉ có 4 DA “công”, còn lại là các dự án của các doanh nghiệp. Để giữ đất, một số chủ DA đã tôn nền cao lên 3-4m, lấp hết 5 con mương thủy lợi gây lụt toàn bộ khu dân cư và hoang hóa đất sản xuất nông nghiệp, tê liệt vùng nuôi trồng thủy sản. Những dự án thực hiện dang dở, cầm chừng này chia cắt và “nhấn chìm” cả xã Vĩnh Thái trong nước lụt vào mùa mưa, mù mịt bụi vào mùa khô. Số DA còn lại, chẳng thấy động tĩnh gì nhưng vẫn không bị thu hồi. Người dân hoang mang, không yên tâm về nơi ở, càng không dám đầu tư sản xuất, phần lớn bán ruộng, bán đìa đi làm thuê…
Điển hình như DA Khu đô thị Vĩnh Thái của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, diện tích 241ha. Năm 2004, thực hiện giai đoạn I trên diện tích 185ha, chủ DA đền bù cho dân đồng thời đổ đất san nền làm khu tái định cư. Nhưng nhiều năm trôi qua, DA đã có tên mới, Khu đô thị Mỹ Gia sau khi “sang tay” cho chủ mới thuộc Tập đoàn Vina Capital nhưng vẫn chưa thấy làm khu tái định cư. Dân thiếu đất sản xuất nhưng từ năm 2003, hơn 100ha ruộng 2 vụ lúa bị san lấp, tính đến nay thiệt hại gần 10.000 tấn lúa. Những ruộng lúa liền kề bị chia cắt, hoang hóa nhiều năm do xói lở, bồi lấp, không thể tưới tiêu do bị lấp hệ thống thủy lợi.
Dân kiến nghị nhiều năm, gần đây, tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo thực hiện ngay 2 DA “công” là DA chỉnh trị sông Quán Trường, sông Tắc và DA hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vinh đến đầu sông Tắc để chống ngập lụt cho xã Vĩnh Thái. Nhưng 2 DA này cũng đang vấp phải phản ứng của người dân vì giá đền bù mỗi m2 đất chỉ bằng giá một... tô phở.
Mai Khuê