Ngày 2/7, 3 sinh viên tình nguyện của Đại học Ngoại thương tử vong trong lúc đi qua suối đã rơi vào hố nước sâu và bị dòng suối cuốn trôi. Nhóm sinh viên này nằm trong số 21 sinh viên thuộc Đại học Ngoại thương về Bình Liêu, Quảng Ninh làm từ thiện.
Đám tang của em Nguyễn Thị Ngân (19 tuổi, Hà Nội), sinh viên Đại học Ngoại thương.
Cần trang bị kỹ năng sinh tồn
Chia sẻ với phóng viên về sự việc đau lòng này, bà Chu Hồng Minh, Trưởng ban Thanh niên trường học, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Hà Nội cho biết, 3 sinh viên tình nguyện Đại học Ngoại thương tai nạn trong lúc làm đi tình nguyện là sự việc đáng tiếc xảy ra trong Chiến dịch thanh niên tình nguyện Hè 2016.
“Đây là bài học đau xót rất lớn, cần rút kinh nghiệm cho các cấp bộ đoàn khi tổ chức các hoạt động tình nguyện”, bà Minh nói.
Bà Minh cho biết, ngay khi nhận được thông tin về tai nạn, Đoàn thanh niên thành phố Hà Nội về địa phương nơi xảy ra vụ việc ở Quảng Ninh để nắm bắt tình hình, hỗ trợ và tìm kiếm, cứu hộ, động viên, chia sẻ với gia đình các nạn nhân và trường Đại học Ngoại thương.
Đến nay Ban Thường vụ Thành đoàn cũng yêu cầu Đại học Ngoại thương rút kinh nghiệm trong đợt hoạt động và tổ chức chu đáo công tác hậu sự cho 3 sinh viên, động viên gia đình các nạn nhân.
Cũng theo lãnh đạo Hội Sinh viên Hà Nội, sau sự việc, Hội yêu cầu các đội tình nguyện, mỗi tình nguyện viên phải có tinh thần cảnh giác, ý thức kỷ luật. Đoàn trường cũng cần trang bị cho các em các kỹ năng sinh tồn.
“Sinh viên tình nguyện cần tự trang bị kỹ năng ứng phó trước các thiên tai bất ngờ để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra, đảm bảo cho các hoạt động tình nguyện diễn ra thông suốt”, bà Minh nói.
Từ những sự cố đau lòng đối với sinh viên tình nguyện, ông Vũ Minh Lý, Giám đốc Trung tâm tình nguyện Quốc gia, nhận định: Ngoài nguyên nhân chủ quan do các em thiếu kỹ năng sinh tồn. Do đó, đoàn trường, nơi tổ chức tình nguyện phải tập huấn cho sinh viên tình nguyện trước khi lên đường.
Cũng theo ông Lý, trước khi diễn ra hoạt động tình nguyện, TƯ Đoàn đã yêu cầu bắt buộc nhà trường có nhóm tiền trạm triển khai khảo sát để lên kế hoạch cụ thể, Tuy nhiên, nhiều trường đã không không nắm được đặc thù địa bàn để phổ biến cho các em.
Tạm dừng tình nguyện nơi có thiên tai
Theo Giám đốc Trung tâm tình nguyện Quốc gia, chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè là hoạt động thường niên do Trung ương Đoàn phát động nên các đội nhóm khác vẫn sẽ hoạt động theo kế hoạch nhưng có sự giám sát chặt chẽ hơn để các hoạt động tình nguyện phải tuyệt đối an toàn.
Sinh viên Đại học ngoại thương tại lễ ra quân Mùa hè xanh 2016
“Các đội, nhóm, câu lạc bộ tình nguyện khi hoạt động cần phối hợp chặt chẽ với Đoàn thanh niên địa phương. Đi lại cần có người dẫn đường để hoạt động được an toàn, hiệu quả hơn, nhất là các khu vực có địa hình phức tạp”, ông Lý lưu ý.
Cũng theo ông Lý, Trung tâm tình nguyện Quốc gia khuyến khích sinh viên tình nguyện thường xuyên, tình nguyện tại chỗ sao cho có những hoạt động phù hợp, mang lại lợi ích thiết thực đối với cộng đồng.
Lãnh đạo Hội Sinh viên thành phố Hà Nội cũng cho biết, sau sự việc, Thành đoàn - Hội Sinh viên thành phố Hà Nội đã quán triệt tất cả Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên các trường đại học, cao đẳng có các đội sinh viên đang tham gia Chiến dịch về việc đảm bảo an toàn, không tổ chức hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu; tạm dừng hoặc đổi địa bàn hoạt động đối với những địa bàn nguy hiểm, có nguy cơ cao về thiên tai (lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…); để đảm bảo an toàn cho sinh viên.
Ngoài ra, Thành đoàn Hà Nội sẽ rà soát tình hình hoạt động của các đội tình nguyện, đối với những địa bàn nguy hiểm, có nguy cơ rủi ro cao như: Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… để đảm bảo an toàn trong các hoạt động tình nguyện.