TS Nguyễn Minh Phong (Viện Kinh tế xã hội Hà Nội) đã thẳng thắn nhận định, cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thời gian qua vẫn còn mang tính phong trào, nên hàng Việt đến nay vẫn khó cạnh tranh với hàng ngoại trong lòng người tiêu dùng. Các chính sách cho vấn đề này vẫn chưa vào được cuộc sống.
TS Nguyễn Quang A đã dùng các số liệu của Tổng cục Thống kê để đưa ra bức tranh về hàng Trung Quốc tràn lan khắp nơi. Chỉ tính riêng nhóm hàng tiêu dùng mà Tổng cục Thống kê công bố thì 4 tháng đầu năm nay, VN đã nhập siêu của Trung Quốc là 1,942 tỷ USD trên tổng số 7,079 tỷ USD tổng nhập siêu cả nước, chiếm tới 27,43%.
Một phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” ở tỉnh Bắc Kạn. |
Hiện 40% số hàng điện thoại di động, hàng điện tử của VN là nhập từ Trung Quốc. Và nếu coi các mặt hàng sắt thép, vải vóc, linh kiện... cũng là hàng nhập về để tiêu dùng trong nước thì con số nhập siêu hàng tiêu dùng của VN với Trung Quốc còn lớn đến thế nào (?).
Ông Lưu Duy Dần - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề VN nhấn mạnh rằng, muốn có hàng Việt chất lượng cao, người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì phải quan tâm tới lợi ích của người nông dân. Về xã Đồng Kỵ (tỉnh Bắc Ninh) chuyên sản xuất đồ gỗ, mỗi ngày có tới hàng trăm thương nhân Trung Quốc chờ sẵn để hàng sản xuất ra đến đâu, họ thu mua hết hàng đẹp rồi đổi sang thương hiệu Trung Quốc. Sản xuất mây tre đan của VN cũng trong tình trạng tương tự.
“Vậy các cơ quan chức năng bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ nông dân như thế nào”? - ông Dần đặt câu hỏi. Khẳng định chúng ta không thể bỏ ngỏ các câu hỏi như vậy, ông Dần cho rằng, đã đến lúc các chính sách cho hàng Việt phải sát thực tế, phải dành cho người nông dân hưởng thụ thực sự.
Mai Hương