Chị Trần Thị Lai (45 tuổi, ở làng Kim Liên) vào “nghề” gần 20 năm cho biết, mỗi ngày chị nhảy tàu 3 lần, vào 7 giờ 15 phút, 10 giờ 30 phút, 1 giờ 30 phút khi tàu chạy qua Ga Kim Liên.
“Ngày nào may mắn bán được nhiều hàng, tôi kiếm 100.000 – 120.000 đồng, còn ngày nào ế ẩm thì được vài chục, thậm chí có bữa chẳng bán được đồng nào” – chị Lai nói.
Vài món hàng thủ công mỹ nghệ đá Non Nước, mực khô, hay vài con sao biển… là những món hàng mà những phụ nữ bán hàng rong mưu sinh trên tàu chọn bán.
Đội quân bán hàng rong nhảy tàu ở làng Kim Liên. |
Nghe tiếng còi hú vang, tàu TN4 (Sài Gòn - Huế) vừa dừng, các chị lập tức bê hàng và chạy theo bám vào tàu. Sau đó, các chị lần mò trèo lên nóc tàu hoặc nếu được khách ở trong giúp đỡ, mở cửa toa tàu thì các chị leo vào trong bán hàng.
Chị Lai cho biết: Nếu không vào được bên trong thì tụi tôi đợi cho đến khi tàu dừng ở Ga Nam Hải Vân (Đà Nẵng), sẽ leo xuống bán, sau đó đợi tàu khác chạy qua nhảy lên để về lại.
“Cái nghề này nguy hiểm, cực khổ, long đong lắm, nhiều khi phải đánh đổi mạng sống, mùa nắng bám tàu còn dễ, chứ trời mưa tàu dễ trượt chân xuống đường ray lắm. Dù biết nguy hiểm, chúng tôi vẫn phải theo để kiếm sống” - chị Lai tâm sự.
“Nghề” nhảy tàu có cách đây 30 năm, từ khi hình thành Ga Kim Liên. Lúc đó chỉ có vài người, sau khi cả nước cấm làm pháo (1993), dân làng pháo Nam Ô ào ạt tham gia “nghề” nhảy tàu, khiến “nghề” này “thịnh” lên đến bây giờ. Trong đội quân bán hàng đó không chỉ có chị em phụ nữ, mà có cả những cụ già đã lớn tuổi. Cụ bà Nguyễn Thị Chung, 80 tuổi, lưng đã còng gần sát đất nhưng ngày nào cụ cũng lỉnh kỉnh đồ đạc ra ga bám tàu bán.
Ông Thân Đức Minh - cán bộ phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, cho biết, do thấy nghề này quá nguy hiểm đến tính mạng, UBND phường đã nhiều lần yêu cầu những người nhảy tàu bán hàng rong nghỉ bán, nếu ai chấp nhận sẽ được tạo điều kiện cho vay vốn chăn nuôi, làm ăn hoặc bố trí vào buôn bán ở các chợ... Cũng có một số phụ nữ đồng ý và được tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít, còn phần đông vẫn bám theo tàu kiếm sống. Cả xã còn 91 người bám tàu mà sống qua ngày.
Kim Oanh