Dân Việt

Dự án nhà máy xi măng 3.700 tỷ “đắp chiếu”

An Sơn 09/07/2016 06:35 GMT+7
Sau gần 8 năm kể từ khi được cấp phép, dự án nhà máy xi măng có vốn đầu tư 3.700 tỷ đồng tại Thừa Thiên- Huế vẫn đang trong tình trạng “đắp chiếu”, trong khi người dân thiếu đất sản xuất nghiêm trọng.

Dự án “chết yểu”

Dự án Nhà máy Xi măng Nam Đông được tỉnh Thừa Thiên- Huế cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Đầu tư xi măng Nam Đông - Việt Song Long (Công ty Nam Đông- Việt Song Long) vào năm 2008 với tổng số vốn 3.700 tỷ đồng. Tháng 3.2009, dự án này được khởi công, chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành xây dựng nhà máy và cho ra lò sản phẩm xi măng đầu tiên vào đầu năm 2011.  Phía chủ đầu tư cũng hứa khi nhà máy đi vào vận hành sẽ giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động và đóng góp vào ngân sách tỉnh mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng. Thông tin này khiến người dân và chính quyền tỉnh Thừa Thiên- Huế rất vui mừng. Vậy nhưng, sau khi khởi công, dự án chỉ xây dựng được khu nhà điều hành 2 tầng và dãy hàng rào bao quanh khu nhà này rồi “đắp chiếu” từ đó đến nay.

img

Dự án chỉ xây dựng khu nhà điều hành 2 tầng và dãy hàng rào bao quanh khu nhà này rồi
“đắp chiếu”. Ảnh: An Sơn

Theo tìm hiểu của PV NTNN, do đánh giá đây là dự án trọng điểm quy mô lớn nên tỉnh Thừa Thiên- Huế đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho dự án này. Chính quyền tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư thực hiện dự án như hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư nâng cấp cầu đường và gia hạn tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, Công ty Nam Đông - Việt Song Long không có đủ khả năng thực hiện dự án.

Liên quan đến dự án này, năm 2011, ông Hồ Văn Tín - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nam Đông - Việt Song Long đã bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với số tiền lên tới 180 tỷ đồng vì những sai phạm trong việc huy động vốn cho dự án.

Lãng phí tài nguyên đất

Ông Hoàng Văn Đông- Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng cho biết, dự án Nhà máy Xi măng Nam Đông đã “ngốn” lượng lớn diện tích đất của người dân trên địa bàn xã. Tổng diện tích đất ở và đất sản xuất của người dân địa phương nằm trong vùng dự án là 250ha, trong đó mới chỉ có 24ha đất được chủ đầu tư chi trả đền bù. Chính quyền xã đã vận động 28 hộ dân di dời vào khu tái định cư để nhường đất cho dự án.

Những năm qua, xã và huyện đã nhiều lần kiến nghị tỉnh thu hồi dự án để trả lại đất cho dân sản xuất, vì để nhiều diện tích đất bỏ hoang như vậy quá lãng phí. Nhưng đến nay đề xuất của địa phương vẫn chưa được chấp thuận”.

Ông Hoàng Văn Đông

Theo ông Đông, khi dự án được khởi công, người dân và chính quyền xã rất phấn khởi vì hy vọng công trình hoàn thành sẽ tạo việc làm để nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động tại địa phương. Tuy nhiên, dự án mới triển khai xây dựng vài tháng thì ngừng từ đó đến nay, trong khi người dân gặp rất nhiều khó khăn về đất sản xuất. “Những năm qua, xã và huyện đã nhiều lần kiến nghị tỉnh thu hồi dự án để trả lại đất cho dân sản xuất, vì để nhiều diện tích đất bỏ hoang như vậy quá lãng phí. Nhưng đến nay đề xuất của địa phương vẫn chưa được chấp thuận”- ông Đông cho hay.

Trao đổi với PV NTNN, ông Phan Thế Xê- Trưởng Phòng TNMT huyện Nam Đông cho biết: Đề xuất thu hồi dự án để trả lại đất cho dân của chính quyền xã và huyện đã không được phía UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đồng ý. Theo ông Xê, phía UBND tỉnh đã trả lời rằng không thể thu hồi dự án vì không đủ điều kiện đền bù cho chủ đầu tư.

Từ tháng 8.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công văn về việc rà soát các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam. Theo đó, có 9 dự án nhà máy xi măng trong cả nước bị hoãn triển khai, trong đó có dự án Nhà máy Xi măng Nam Đông và không có thời hạn hoãn cụ thể. Sau văn bản trên của Thủ tướng Chính phủ, chủ đầu tư càng có thêm lý do để trì hoãn triển khai dự án. Và xem ra tình trạng đất dự án bỏ hoang trong khi người dân thiếu đất sản xuất tại Thượng Quảng không biết bao giờ mới chấm dứt.