Đường đến suối Đá Bàn khá xa, lại khó đi chứ không dễ dàng như đến suối Tranh. Nhưng vẻ hoang sơ, hùng vĩ nơi đầu nguồn của Suối Đá Bàn đã hấp dẫn chúng tôi, không thể nản lòng khám phá thiên nhiên Phú Quốc. Bắt đầu từ thị trấn Dương Đông, chúng tôi theo đường Nguyễn Trung Trực để đến Suối Đá Bàn.
Dòng suối Đá Bàn êm đềm, phẳng lặng phía hạ nguồn.
Thật khó quên những trải nghiệm với vô vàn cảm giác thú vị mà đầu tiên là vượt một cây cầu dây văng, rồi đi xuyên rừng một đoạn nữa, đến khi nghe tiếng nước róc rách vui tai thì suối Đá Bàn dần hiện ra trước mắt.
Tôi quay sang anh bạn hỏi: “Tại sao suối lại có tên là suối đá Bàn?”. Anh bạn “thổ địa” ở Phú Quốc đưa mắt nhìn những tảng đá quanh suối, rồi trả lời: “Đó chính là điểm đặc biệt tạo nên khác biệt của suối này với những con suối khác ở Phú Quốc. Những tảng đá rất to, bằng phẳng như mặt bàn nằm rải rác, xếp chồng lên nhau khắp suối. Tương truyền, xưa kia những tảng đá ở đây to tròn, nhưng khi các tiên nữ thấy suối này tuyệt đẹp nên giáng trần xuống đây; đá biến hình thành mặt bằng phẳng để các tiên nữ dễ dàng ngồi tắm, ngắm cảnh, vui chơi…”. Có lẽ bởi thế nên có tên Suối Đá Bàn.
Đến suối Đá Bàn, du khách có thể dừng chân trên những tảng đá bằng phẳng ở hạ nguồn để vui chơi, tận hưởng cảm giác mát lạnh của dòng suối trong veo, thưởng thức những món ăn đặc sản hay chụp ảnh lưu niệm… Đồng thời, trải nghiệm cảm giác khám phá, chinh phục thiên nhiên bằng cách lên thượng nguồn ngắm thác nước. Bạn đừng lo, suối Đá Bàn thật ra không dốc cao, chỉ kéo dài từ hạ lưu lên đến đỉnh núi. Càng lên cao, khung cảnh thiên nhiên cứ mở ra, đẹp một cách kỳ lạ.
Du khách trải qua cảm giác khá thú vị khi đi bộ qua cây cầu gỗ dây văng này.
Những hình ảnh ấn tượng về dòng suối đi dọc về thượng nguồn cùng những tảng đá to, mặt bằng phẳng nằm khắp suối Đá Bàn.