Dân Việt

Dân lại phát sốt vì hóa đơn tiền điện

Bạch Dương 11/07/2016 12:09 GMT+7
Nhận hóa đơn tiền điện tháng 7, người dân lại phát sốt vì tiền điện tăng vọt gấp nhiều lần

Tăng như "phi ngựa"...

Anh Đỗ Xuân Khải, địa chỉ P2/8 71 Nguyễn Chí Thanh giật mình khi phải trả số tiền điện tháng 7 gần 3,2 triệu đồng.

Anh Khải bức xúc đăng cả lên FB cá nhân: “Hôm nay nhận được “bill” (hóa đơn) tiền điện như thế này, em chắc chắn không đóng cho EVN nữa luôn. Hoá đơn tháng 5 là 1,4 triệu đồng, bật điều hoà cả ngày tận 3 cái. Hoá đơn tháng 6 là 2,5 triệu đồng trong khi đi làm dự án không có ở nhà. Cứ nghĩ là nhà đèn bù tháng trước nên số tiền cao vậy. Xong hoá đơn tháng 7 gửi về lên 3,2 triệu đồng trong khi nhà em còn không có ở nhà. Hàng ngày ở nhà chỉ từ tầm 11h đêm đến 8h sáng là đi làm. Như thế này là thế nào nhỉ?”.

img

Lập tức, phản ánh của anh Khải nhận được không ít bình luận “cùng cảnh ngộ”. Một bạn đọc viết: “Nhà em cũng vậy, dùng 2 điều hòa mà từ tháng 4 nắng nóng đến nay tiền điện toàn 2,5-2,8 triệu đồng, lũy tiến quá cao luôn”.

Trước đó, không ít trường hợp báo chí cũng đã phản ánh việc người dân “choáng” về hóa đơn điện tăng vọt. Cụ thể, chị Hạnh (ở Đan Phượng, Hà Nội) giật mình khi số tiền điện tháng 6 phải trả vọt tăng gấp 4 lần. “Mọi tháng gia đình tôi chỉ dùng khoảng 500.000-600.000 đồng là cùng, nhưng tháng vừa rồi tiền điện tăng lên tới hơn 2,1 triệu đồng, gấp 4 lần tháng trước”, chị Hạnh cho hay trên Vnexpress.

img

Theo chị, vật dụng tốn điện năng nhất trong gia đình là điều hòa, do thời tiết nắng nóng và nhà có con nhỏ nên chị cũng bật nhiều hơn so với mọi tháng. Các thiết bị điện còn lại như máy lọc nước, máy giặt… có tần suất sử dụng không thay đổi. Việc tiền điện cao hơn là điều chị Hạnh đã lường trước, nhưng với tờ hóa đơn tăng gấp 4, không khỏi khiến chị thấy “sốc”.

Không điều chỉnh thời gian ghi chỉ số công tơ

Một chuyên gia trong ngành điện lý giải: Trong những ngày vừa qua, do tác động của hiện tượng El Nino, nắng nóng ở khu vực Hà Nội trong mùa hè năm 2016 được nhận định là sẽ có tần suất cao hơn, gay gắt hơn và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, theo dự báo của ngành điện, hóa đơn tiền điện tháng 5,6,7 của người dân thủ đô sẽ bị ảnh hưởng do các đợt nắng nóng này. Cụ thể nếu người dân sử dụng điện ổn định, không có nhiều biến động, dự kiến sản lượng điện sẽ tăng khoảng 30 - 40% so với cùng kỳ. 

Nếu một gia đình sử dụng điện tháng 5 có sản lượng là 450 kWh, số tiền điện là 1.026.630 đồng. Dự kiến sản lượng điện tháng 6 sẽ là 610 kWh, tương ứng với số tiền điện dự kiến là 1.481.942 đồng. Mặt khác, giá điện sinh hoạt được xây dựng theo mức bậc thang, nếu người dân tiêu thụ điện trên 401 kWh sẽ phải trả mức giá điện sinh hoạt bậc thang cao nhất là 2.587 đồng/kWh.  

Trong tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt với những ngày nhiệt độ cao trên 37 - 38 độ C, máy điều hòa là một trong những thiết bị được sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, thời tiết càng nắng nóng thì máy điều hòa càng tốn nhiều điện do trời càng nóng thì hiệu quả năng lượng của máy càng giảm. Bên cạnh đó, nhiệt độ ngoài trời càng nóng thì tổn thất nhiệt từ ngoài môi trường vào trong phòng càng tăng, máy phải làm việc đầy tải và hết công suất nên tiêu tốn điện năng sẽ rất cao. 

Thực tế, việc hóa đơn tiền điện nhiều hộ gia đình tại Hà Nội tăng vọt đã nằm trong dự báo của ngành điện.

Tại cuộc gặp báo chí mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho hay, những ngày cao điểm nắng nóng, sản lượng điện tiêu thụ của toàn thành phố tăng mạnh. Nếu như lượng điện bình quân tháng 4 trên địa bàn thành phố chỉ khoảng 38 triệu kWh/ngày, sang tháng 5 lượng điện tiêu thụ bình quân mỗi ngày lên tới 46,38 triệu kWh và đến đầu tháng 6 tăng tiếp lên 57,3 triệu kWh/ngày. Riêng ngày 14.6, sản lượng cao nhất lên đến 66 triệu kWh/ngày. Dự báo với tình hình nắng nóng kéo dài như hiện nay, sản lượng diện tiêu thụ cao nhất có thể lên tới 77 triệu kWh/ngày.

“Tháng 7, lượng điện sử dụng theo tháng của nhiều khách hàng sẽ tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015. Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị không được phép thay đổi thời gian ghi chỉ số điện của người dân. Nếu thay đổi phải có báo cáo lãnh đạo tổng công ty. Việc không cho điều chỉnh thời gian ghi chỉ số công tơ cũng giúp khách hàng không bị ảnh hưởng về số điện dẫn đến tiền điện tăng theo”-ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, bình thường lượng điện mỗi ngày tại các quận trên địa bàn Hà Nội chỉ ở mức khoảng 4 triệu kWh/ngày, đến nay đã tăng lên tới gần 8 triệu kWh/ngày. Để người dân có thể theo dõi được lượng điện tiêu thụ, từ ngày 16.6, EVN Hà Nội đã công bố sản lượng điện hàng ngày của tổng công ty trên website của đơn vị để người dân theo dõi.

“Việc người dân phản ánh về tình trạng tiền điện sinh hoạt tăng vọt là khó tránh khỏi. Chúng tôi đã quán triệt tới từng công ty điện lực trực thuộc tại các địa bàn, khi tiếp cận được ý kiến phản ánh của người dân liên quan tới chuyện tiền điện tăng thì phải giải thích kịp thời để họ hiểu”, ông Tuấn chia sẻ.

Giá điện sinh hoạt hiện vẫn được áp dụng theo cách tính giá bậc thang, mức sử dụng điện của khách hàng càng nhiều thì số tiền chi trả càng cao. Giá điện bán lẻ hiện được chia thành 6 bậc, so với giá điện bậc một là 1.484 đồng/kWh, thì giá điện bậc 6 đắt gần gấp đôi, mức 2.587 đồng/kWh. Vì thế sẽ có tình trạng, nếu khách hàng sử dụng từ 401 kWh trở lên sẽ phải trả mức giá điện sinh hoạt ở bậc thang số 6, số tiền này có khi chiếm một nửa tổng tiền mà khách hàng phải trả.

Hiện cách tính giá điện mới (theo yêu cầu sửa đổi của Bộ Công Thương) vẫn chưa được cơ quan quản lý cũng như ngành điện đưa ra lấy ý kiến người dân, công bố. Người dân vẫn chịu cách tính giá luỹ tiến theo 6 bậc.

Để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong mùa hè, ngành điện khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp như: rút phích cắm điện ra khỏi ổ điện khi không sử dụng thiết bị; lắp đặt thiết bị điện khoa học, hợp lý, tận dụng tối đa ánh sánh tự nhiên; hạn chế sử dụng các thiết bị điện cùng một lúc vào giờ cao điểm ( sáng từ 9h30 - 11h30; tối từ 17h00 - 20h00); sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đã được dán nhãn ngôi sao năng lượng của Bộ Công Thương.

Riêng điều hòa là thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng nhất nên để giảm tiền điện khi sử dụng điều hòa, người dân nên điều chỉnh nhiệt độ của điều hòa ban ngày từ 25 độ c trở lên và ban đêm từ 27 - 28 độ C; vệ sinh tấm lọc bụi của điều hòa ít nhất 3 tháng một lần, bảo dưỡng định kỳ điều hòa ít nhất 1 năm 1 lần; và sử dụng điều hòa công nghệ inverter để tiết kiệm từ 30 - 35% điện năng tiêu thụ.