Thành phố Saint Peterburg nằm ở đầu vịnh Phần Lan, một nhánh của biển Baltic từng được bảo vệ bởi một loạt các pháo đài nằm ngang vịnh. Hầu hết pháo đài được xây dựng nằm trong và quanh Kotlin - một đảo tọa lạc giữa điểm nút của vịnh, cách Saint Peterburg 30 km.
Một số pháo đài khác lại xây ở các vùng bờ biển bao quanh vịnh. Đứng cùng nhau chúng tạo thành bức tường phòng thủ mạnh mẽ chống lại những đợt tấn công từ phía biển.
Các pháo đài này được xây dựng ngay sau khi Saint Petersburg thành lập và do sự thúc giục của cuộc chiến tranh phía bắc từ năm 1700 đến 1721.
Hơn hai thế kỷ tiếp theo, nước Nga tiếp tục củng cố thêm khu vực xung quanh với hơn 40 pháo đài nằm giữa bờ bắc và nam của vịnh Phần Lan. Gần nửa số pháo đài được xây dựng trên các hòn đảo nhân tạo.
Một trong những pháo đài nổi tiếng nhất ở đây là Alexander, do hoàng đế Nikolay I dựng nên và đặt theo tên anh trai của ông, hoàng đế Alexander I. Nó được xây dựng vào khoảng năm 1838 - 1845.
Giống nhiều pháo đài khác trên vịnh Phần Lan, Alexander cũng nằm trên nền móng của một đảo nhân tạo. Phần móng chắc chắn gồm hơn 5.500 trụ chống dài 12m, cắm sâu xuống lòng biển. Về sau nơi này được phủ thêm các lớp cát, bê tông và đá granite.
Mặc dù pháo đài này chưa từng tham gia vào bất kỳ hoạt động quân sự nào, nó vẫn đóng một vai trò mật thiết trong chiến tranh Crimea khi bảo vệ hải quân Nga ở Kronstadt khỏi lực lượng hải quân Hoàng gia và các hạm đội Pháp. Sự hiện diện của pháo đài cũng đủ làm quân thù chùn bước trước khi đánh chiếm Saint Peterburg. Nhưng đến thế kỷ 20, pháo đài mất dần ý nghĩa phòng thủ khi không chống đỡ được pháo binh hiện đại và những đợt nã pháo lớn.
Năm 1897 pháo đài Alexander được chuyển thành một phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu các dịch bệnh nguy hiểm như tả, uốn ván, sốt phát ban, nhiễm tụ cầu khuẩn... Tuy nhiên nơi này lại đặc biệt nổi tiếng vì những thí nghiệm với vi khuẩn Yersenia, nguyên nhân của bệnh dịch hạch. Chính vì vậy, pháo đài Alexander còn có tên khác là "pháo đài bệnh dịch".