Cú vào trúng bóng, rất quyết liệt của Payet khiến Ronaldo bị đau, ngay ở phút 17. Rồi sau đó là một vài pha tranh chấp khác khiến siêu sao của Bồ Đào Nha phải ra sân "sơ cứu", tập tễnh trở lại với cái đầu gối trái quấn chặt. Nhưng rồi đến phút 24, cố gắng của anh dừng lại. Anh lên cáng rời sân đầm đìa nước mắt, trong sự vỗ tay động viên, chia buồn của cổ động viên cả hai đội. Thay anh là R. Quaresma-người ghi bàn loại Croatia ở hiệp phụ trận đấu vòng 1/8.
Hành trình lên ngôi vô địch của Bồ Đào Nha giống như một định mệnh ở EURO.
Mất cầu thủ sáng giá nhất, Bồ Đào Nha buộc phải tập trung chơi phòng ngự tối đa hơn. Và trong thế trận áp đảo hoàn toàn, Pháp sở hữu những cơ hội nguy hiểm thực sự, nhưng đều không thắng được thủ thành Patricio, hoặc bóng ra ngoài trong gang tấc. Phút 91, những tưởng cầu thủ vào thay người, tiền đạo Gignac đã đánh bại được thủ môn xuất sắc Patricio, nhưng bóng lại tìm đến cột dọc.
Những nuối tiếc cứ vụt trôi suốt 90 phút chơi trên chân đối thủ. Pháp phải bước vào hiệp phụ-lần đầu tiên ở giải đấu này. Nhưng 16 năm trước, cũng là lần gần nhất của giải đấu này trận chung kết phải bước vào hiệp phụ, và chính Pháp khi ấy đã thắng, lần thứ hai lên ngôi vô địch châu Âu.
Nhưng Bồ Đào Nha đã chơi tốt hơn đối thủ trong hiệp phụ. Ngay sau cú đá phạt trực tiếp dội xà ngang, khoảnh khắc diệu kỳ xuất hiện. Cầu thủ vào sân thay người cuối hiệp 2-tiền đạo Eder một mình phá trùng vây hàng phòng ngự hớ hênh của Pháp, tung cú sút xa sấm xét, mở tỉ số trận đấu. Ấy là phút 109. Và kết quả đúng như chúng tôi dự báo trước, trong bài: "Bồ Đào Nha thắng Pháp: Khép lại kỳ Euro phá dớp?". Đó là những cái dớp toàn thua trước đối thủ suốt 40-50 năm qua ở các giải đấu lớn...
12 năm trước, Bồ Đào Nha thua Hy Lạp ở trận chung kết-trận chung kết đầu tiên mà chủ nhà thua. 12 năm sau, Bồ Đào Nha thắng Pháp, xấu xí như chính kiểu Hy Lạp quật ngã Bồ Đào Nha mạnh hơn của 12 năm trước.
12 năm trước, Hy Lạp lên ngôi khi không hề được nhắc đến-lần lên ngôi kỳ lạ, sau Đan Mạch đến Euro với tấm vé vớt của năm 1992.
12 năm sau, Bồ Đào Nha cũng không được đánh giá cao, họ đứng tít hút trong danh sách ứng cử viên vô địch... Và còn sự phá dớp lạ kỳ nữa, thắng Pháp trong một giải đấu chính thức, suốt từ năm 1984...
Pháp thua tức tưởi, dường như đó là số phận, là định mệnh. Trong một kỳ Euro phá dớp kỳ lạ. Và cả chu kỳ 12 năm lên ngôi của một nhà vô địch bé nhỏ, không được xếp vào hàng ngũ ứng cử viên trước khi giải đấu diễn ra... Đó có lẽ cũng là điều diệu kỳ, là vẻ đẹp của bóng đá, với những bất ngờ luôn song hành. Cả những bất ngờ định mệnh quyết định số phận của cả một đội bóng, một giải đấu.
Euro 2016 đã khép lại. Một kỳ Euro lần đầu có 24 đội tham dự, một kỳ Euro phá dớp kỳ lạ, với một trận chung kết cũng phá dớp, lặp lại chu kỳ 12 năm lên ngôi của một nhà vô địch mới toanh, có phần xù xì, xấu xí và đề cao tính hiệu quả một cách tối đa...
Euro 2016 đã khép lại. Lịch sử đã mở ra một trang mới, với những dấu mốc, thống kê đã được ghi. Nhịp sống bình thường khắp châu Âu, và cả thế giới sẽ trở về với nhịp điệu quen thuộc, lệ thường.
Trở về với thực tại, chỉ mạnh mẽ tin, hy vọng rằng, những thành công ở Euro, cả trong lối chơi tập thể chặt chẽ, đề cao tính kỷ luật, hiệu quả lên hàng đầu... sẽ giúp châu Âu đang rối bời âu lo đối phó, giải quyết những vấn nạn khủng bố, nhập cư, suy thoái kinh tế, rạn nứt sau cú sốc Brexit của Vương quốc Anh... sẽ tìm gia giải pháp kịp thời, hữu hiệu trong ứng phó. Để châu Âu tái lập những giá trị, vị thế của mình. Một châu Âu thịnh vượng, an toàn, đáng sống...